Doanh nghiệp lúa gạo vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay

21:52' - 21/09/2021
BNEWS Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay không có tài sản bảo đảm.

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã gây ách tắc và làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Nam. Trước tình hình này, dòng vốn tín dụng đã được các ngân hàng ưu tiên đổ vào ngành lúa gạo, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ thu mua lúa gạo của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Thế nhưng, nguồn tín dụng dành cho đối tượng doanh nghiệp này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

* Ưu tiên tín dụng vào ngành lúa gạo

Cuối tháng 8/2021, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có cuộc họp yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo các quy định hiện hành.

Đồng thời, mở rộng và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ lúa gạo cho nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông góp phần ổn định giá lúa gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa…

Chỉ đạo này được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong bối cảnh vụ lúa Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ chín rộ. Nhưng do nhiều tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg khiến các thương lái không tiếp cận và thu mua được, trong khi doanh nghiệp cũng không đủ nguồn lực vốn để thu mua tạm trữ.

Ngay sau đó, nhiều ngân hàng thương mại đã vào cuộc, tung các gói ưu đãi tín dụng dành cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo.

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), trong tháng 9/2021, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ giải ngân thêm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhóm khách hàng kinh doanh lúa gạo với mức lãi suất ưu đãi giảm so với các sản phẩm cho vay thông thường từ 0,5-1%/năm. Đây cũng là ngành được MB ưu tiên hỗ trợ phát triển không chỉ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn ở các tỉnh sản xuất nông nghiệp, lúa gạo nhiều.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), trong 7 tháng năm 2021, Agribank đã thực hiện giải ngân hơn 17.600 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng vay vốn thu mua, tạm trữ và xuất khẩu thóc gạo.

Để đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ vốn kịp thời thu mua lúa, gạo trong dân, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh trong khu vực chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng; đồng thời, kiến nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo và đã giải ngân tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.

Mới đây, tại tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và Tp.Hồ Chí Minh", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngoài việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng hạn mức tín dụng, tăng vốn cho vay của doanh nghiệp, thương lái, ngành ngân hàng cũng tăng dư nợ tín dụng 5.000 tỷ đồng cho việc thu mua lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, mở hạn mức tín dụng 1.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ.

* Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận

Một trong những điểm đáng chú ý của chính sách hỗ trợ lần này là Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay không có tài sản bảo đảm.

Đại diện một công ty chế biến xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo nói riêng, nông nghiệp nói chung được ngân hàng ưu đãi lãi vay, với lãi suất ngắn hạn tối đa bằng VND ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD chỉ 3%/năm. Doanh nghiệp cũng được vay tới 80% tài sản thế chấp, thay vì 70% như các lĩnh vực kinh doanh khác.

Tuy vậy, chính sách ưu đãi này trước và sau khi dịch COVID-19 bùng phát lại không nhiều thay đổi. Cũng do lãi suất thấp nên doanh nghiệp không được ngân hàng giảm thêm lãi vay hay cơ cấu nợ theo các chính sách hỗ trợ khác của ngành ngân hàng.

“Trong vòng nửa tháng gần đây, các khoản vay mới sẽ được ngân hàng giãn nợ để doanh nghiệp có thêm thời gian giải quyết lượng lúa gạo tồn kho. Tuy nhiên, đối với các khoản vay mới ngoài hạn mức, vay không có tài sản đảm bảo để có thêm vốn mua lúa tạm trữ thì ngân hàng lại không giải quyết.

Trong khi đó, việc tiêu thụ lúa gạo hiện gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu thấp, việc vận chuyển lại bị ách tắc nên doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới đây cũng cho biết, mặc dù cuối tháng 8/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách chỉ đạo khối ngân hàng thương mại hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, thế nhưng việc thực hiện vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, hạn mức cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn còn thấp; thời gian cho vay ngắn và hầu hết các thủ tục giải ngân đều yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng xuất khẩu gạo, trong khi tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội đang hết sức khó khăn.

Vì vậy, nhu cầu nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa được đáp ứng phù hợp. Bên cạnh đó, tuy Chính phủ đã có những chính sách, quy định về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động nhưng việc hướng dẫn và triển khai tại các địa phương vẫn chưa được đồng nhất và thông suốt. 

Do đó, VFA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khối ngân hàng thương mại xem xét gia hạn các món nợ đến hạn từ 2-3 tháng đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay đối với nguồn vốn phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đặc biệt là các khế ước giải ngân trong thời gian giãn cách xã hội.

“Giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ và cho vay thêm theo hình thức tín chấp hoặc tăng thêm hạn mức, bổ sung nguồn vốn lưu động với lãi suất hỗ trợ để các doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”, VFA kiến nghị.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cũng cho hay, trong 2 tháng gần đây, các doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long hầu như ngưng sản xuất nên không có doanh số, lợi nhuận để trả lãi nợ vay. Xuất khẩu chỉ đạt khoảng 20% sản lượng, không có dòng tiền về nên trong mùa vụ sắp tới rất khó thu mua nông sản phục vụ sản xuất.

Các doanh nghiệp đang rất cần được ưu tiên bổ sung nguồn vốn, vì vậy đại diện VCCI Cần Thơ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp nhất để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Thực tế các ngân hàng vẫn luôn ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành lúa gạo. Tuy nhiên, để được vay, hầu hết các doanh nghiệp buộc phải có tài sản đảm bảo. Ngay cả các doanh nghiệp có quan hệ và lịch sử tín dụng tốt cũng ít có ngoại lệ.

Nguyên nhân chủ yếu là do bản chất ngành nông nghiệp vốn có tính mùa vụ, rủi ro thiên tai dịch bệnh, rào cản thương mại ngày càng cao. Quan trọng hơn, phần lớn doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất yếu trong khâu quản trị và minh bạch báo cáo tài chính.

Trong khi đó, để giải ngân các khoản vay tín chấp, ngân hàng buộc phải căn cứ vào dòng tiền của doanh nghiệp. Nếu không thực hiện theo quy định, các ngân hàng sẽ phải gánh rủi ro nợ xấu và những quy định pháp lý liên quan.

Với tình hình hiện nay, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế triển khai phối hợp một cách rõ ràng hơn để tháo gỡ “nút thắt” tín dụng cho các doanh nghiệp lúa gạo nói riêng, cũng như ngành nông nghiệp nói chung. Nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản đang ứ đọng do dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp cần được ưu tiên tiếp vốn để hỗ trợ giải quyết đầu ra cho bà con nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục