Doanh nghiệp tận dụng FTA để nâng cạnh tranh cho hàng Việt

17:36' - 28/12/2022
BNEWS Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt, nhất là sau khi các FTA đi vào thực thi, tại các địa phương trên cả nước; trong đó, có Bình Phước đã liên tục tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức.

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt, nhất là sau khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào thực thi, tại các địa phương trên cả nước; trong đó, có Bình Phước đã liên tục tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Qua đó giúp doanh nghiệp nắm vững, hiểu rõ, hiểu sâu cam kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bình Phước, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành chuyên môn tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết.

Việc này nhằm xây dựng hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi khi giải quyết công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. Qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh với hàng ngoại, đưa hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng.

Tại tỉnh Bình Phước hiện nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện. Các ban chỉ đạo bám sát nội dung chỉ đạo của cấp trên và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động, với những nội dung cụ thể, sát với tình hình thực tế, tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm và tiêu dùng.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cùng với UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh, phân phối.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã có những chính sách cụ thể mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vốn, công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn quy định tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Đồng thời, chỉ đạo các sở ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt.

Ngoài ra, Sở Công Thương Bình Phước chủ trì, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng trong và ngoài tỉnh, các tổ chức có liên quan đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp; địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Mặt khác, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt trên thị trường nông thôn của tỉnh Bình Phước.

Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới công nghệ và phương thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, hạ giá thành sản phẩm.

Đi đôi với việc phát triển thị trường, các doanh nghiệp đã chủ động thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ sau bán hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động kết nối với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức các Hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá, hình ảnh sản phẩm hàng Việt đến với người tiêu dùng. Các hình thức thực hiện như tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá; tháng bán hàng khuyến mại, giảm giá; tổ chức các Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu dân cư, khu công nghiệp.

Ngoài ra, Sở Công Thương Bình Phước, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng có thẩm quyền luôn phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý chống buôn lậu, gian lận trong thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là trong các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong sử dụng và mua sắm hàng Việt.

Thông qua Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia Cuộc vận động qua việc quảng bá thương hiệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Từ khi thực hiện Cuộc vận động, mức tiêu thụ hàng Việt ngày càng tăng cao, người dân ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng là hàng Việt cũng như tham gia tuyên truyền phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm nâng cao kiến thức khi sử dụng các sản phẩm hàng Việt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục