Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh: Đã sẵn sàng cho hội nhập

19:38' - 11/02/2016
BNEWS Năm 2015, Tp. Hồ Chí Minh đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 3 năm qua. Đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp thành phố sẵn sàng "tâm" và "thế" bước vào thời kỳ hội nhập.

Kết thúc năm 2015, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood tiếp tục tăng trưởng ổn định, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch của năm, với kết quả tăng trưởng về doanh thu tăng 25% so với năm 2014.

Ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NutiFood cho rằng, mặc dù trong năm vừa qua, tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn khó khăn, nhưng Chính phủ đã nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp, mức sống người dân được cải thiện là những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng phát triển và tăng trưởng cao.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Garmex Sài Gòn. Ảnh: enternews.vn

Tương tự, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn nhận định, doanh nghiệp ý thức rằng cơ hội không tự mang đến lợi ích hay sức mạnh cạnh tranh mà tuỳ thuộc vào sự chuẩn bị của doanh nghiệp.

Vì vậy, trong những năm gần đây, Công ty Garmex Sài Gòn đã triển khai các giải pháp chuẩn bị hành trang vững chắc để bước vào vận hội mới đan xen cơ hội và thách thức khi nhiều Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã và đang có hiệu lực.

Từ đó, cùng với sự khởi sắc của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Garmex Sài Gòn đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Garmex Sài Gòn đã đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm 2015; trong đó doanh thu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng.

Thông tin về chiến lược sản xuất kinh doanh cũng như sự chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nhiều Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã và đang có hiệu lực, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho rằng, triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ phát triển khá, do tình hình kinh tế đã phục hồi dần và khó khăn của doanh nghiệp đã giảm nhiều so với giai đoạn trước.

Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8%, tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp  vào GRDP đạt từ 35% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 30% GRDP.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, trong năm nay chính quyền Tp. Hồ Chí Minh tăng cường tập trung mọi nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2015, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp tự tin trên con đường hội nhập và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với ngành chế biến sữa, các doanh nghiệp nhấn mạnh, ngành này đã “hội nhập quốc tế” từ nhiều năm nay, điển hình trong thị trường sữa bột cho trẻ em, tất cả các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới đều có mặt tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh các loại thuế suất nhập khẩu dành cho sản phẩm ngoại từ nhiều nước và vùng lãnh thổ khác nhau chỉ từ 3 - 10%, chưa là “hàng rào thuế quan” để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh: Vững hành trang bước vào vận hội mới. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN.

Do đó, doanh nghiệp trong ngành chế biến sữa đã đương đầu với “hội nhập quốc tế” từ nhiều năm qua bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của trẻ em Việt Nam. Thông qua đó, doanh nghiệp ngành chế biến sữa dần dần phát huy được thế mạnh là chuyên gia dinh dưỡng hiểu biết về nhu cầu dinh dưỡng của người Việt, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với các hãng sữa ngoại.

Hiện nay, Hội Dệt may - Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp đang đối diện với những thách thức không nhỏ về nguồn lao động, thị trường xuất khẩu, chi phí sản xuất...

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh, trước áp lực cạnh tranh cũng như những cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế không có con đường nào khác là phải tích cực đổi mới với những giải pháp  thiết thực hơn để đảm bảo cải thiện về năng suất lao động và sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Trong đó, doanh nghiệp ngành dệt may - thêu đan cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh từ gia công sang FOB (tự chủ về nguyên phụ liệu, ODM (tự thiết kế, tự sản xuất)... thông qua việc cải tiến quản lý, phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư thiết bị tiên tiến.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Cát Thái cho rằng, lĩnh vực này cần đầu tư lớn, bài bản từ máy móc, công nghệ đến quản lý sản xuất của chính mình trước khi đàm phán, ký kết với đối tác.

Bên cạnh đó, việc nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và cung ứng được sản phẩm công nghệ hỗ trợ vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp FDI.

Nhờ vào phương thức sản xuất kinh doanh này, Công ty Cát Thái đã thành công khởi đầu từ những sản phẩm đơn giản với số lượng nhỏ lẻ và hiện tại đã có đáp ứng sản phẩm phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao với số lượng lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục