Doanh nghiệp tư nhân là điểm sáng trong dài hạn của kinh tế Việt Nam

17:41' - 06/01/2020
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng, trong dài hạn, điểm sáng của kinh tế Việt Nam vẫn là sự tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân là điểm sáng trong dài hạn của kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” do Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO) và Tạp chí điện tử BizLIVE.vn tổ chức ngày 6/1 tại Tp. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2020 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên trong dài hạn, điểm sáng của kinh tế Việt Nam vẫn là sự tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp khối này cần năng động hơn nữa để góp phần đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức, thích ứng với các chuẩn mực quốc tế trong thời gian tới.

Về phía quản lý nhà nước, Chính phủ đang chủ trương thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết những điểm chồng chéo trong kinh doanh. Đây có thể là điểm đột phá của năm 2020 trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những thủ tục vướng mắc liên quan đến đầu tư công cũng đang được các bộ, ngành tập trung giải quyết để tăng giải ngân đầu tư công cũng như kích hoạt được dòng vốn tư nhân trong thời gian tới...

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam thời điểm này so với 5 năm trước đã tốt hơn, những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng giờ từng bị coi là "quả bom nổ chậm" hiện nay đã cực kỳ ổn định. Tuy vậy, trong thời gian tới nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức cần tháo gỡ.

"Năm năm trước gặp nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn và hiện nay gặp họ vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn nhưng nghẽn ở không tiếp cận được vốn. Những điểm nghẽn càng để lâu càng khó gỡ. Hy vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng với điều kiện phải khơi thông được thể chế và nguồn lực", ông Trần Du Lịch chia sẻ.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 2020 tiếp tục là năm nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp vì xu thế giảm tốc của kinh tế thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng sức khoẻ của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn có vấn đề.

Dẫn chứng số liệu năm 2019, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, tăng trưởng trong năm này cũng như nhiều năm trước, công nghiệp chế biến chế tạo là ngôi sao của nền kinh tế, chiếm hơn 11% nhưng tồn kho của khu vực này rất cao.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không báo lãi, xuất khẩu phần lớn ở các thị trường đều sụt giảm, trừ Mỹ; kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Bên cạnh đó, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh vào ngân sách nhà nước không đạt dù rằng đã điều chỉnh giảm mục tiêu; 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, là nhóm lĩnh vực kinh tế còn hoang sơ…

Thêm vào đó, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, dù môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn chưa cao. Môi trường kinh doanh của Việt Nam mới đứng thứ 5 trong ASEAN, hành trình như vậy vẫn còn rất xa để vào top 4.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục