Doanh nghiệp vẫn lo vướng khi dùng hóa đơn điện tử

16:32' - 11/12/2018
BNEWS Trong giai đoạn chuyển đổi giữa hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn lo ngại sẽ gặp vướng mắc khi áp dụng.
 Lãnh đạo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN 

Tại buổi đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp và chính quyền Tp. Hồ Chí Minh về thuế do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12, rất nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn lo ngại sẽ gặp vướng mắc khi áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc trên diện rộng.

Theo quy định, kể từ ngày 1/11/2020, tất cả các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ theo Nghị định 119/2018 NĐ - CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ do Chính phủ ban hành ngày 12/9/2018.

Bà Nguyễn Kim Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp CLP Việt Nam nêu vấn đề, quy định sử dụng hóa đơn điện tử yêu cầu trên hóa đơn phải có chữ ký điện tử của cả bên bán và bên mua, trong khi đó không phải người mua nào cũng là doanh nghiệp và có chữ ký điện tử.

Trong giai đoạn chuyển đổi giữa hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử, nhiều doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử nhưng không có chữ ký bên mua thì có hợp lệ hay không, nếu không hợp lệ phải xử lý thế nào, bà Thanh đặt câu hỏi.

Cùng chung thắc mắc, đại diện công ty Chailease cho biết, có nhiều văn bản hướng dẫn được miễn chữ ký người mua nếu thỏa các điều kiện như có thành lập hợp đồng, phiếu thu nhưng doanh nghiệp chưa biết cách áp dụng, có phải xin phép cơ quan thuế hay được tự động áp dụng.

Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc miễn chữ ký người mua trên hóa đơn điện tử được xem xét cho từng trường hợp phát sinh cụ thể và điều kiện đáp ứng của doanh nghiệp theo hướng dẫn tại công văn 2402/BTC - TCT của Bộ Tài chính về hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN 

Theo đó, trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán nếu có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa người bán với người mua như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu,... thì người bán lập hóa đơn điện tử cho người mua theo quy định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, nếu hầu hết các trường hợp đều được miễn chữ ký người mua trên hóa đơn điện tử thì nên xem xét việc bãi bỏ điều kiện này để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp và cả người mua hàng.

Liên quan đến việc lưu trữ hóa đơn điện tử, ông Trần Lê Phong, phòng xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex cho biết, doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử nhưng vẫn đang lưu trữ hóa đơn dưới dạng bản in, nghĩa là in hóa đơn điện tử ra để lưu trữ, rất nhiều hóa đơn trong số đó chưa tích hợp chữ ký điện tử của người mua, tới hội nghị đối thoại này doanh nghiệp mới biết cách lưu trữ hóa đơn này là không hợp lệ. Điều này dẫn đến nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp khi thanh tra thuế những năm sau do phát sinh sai số giữa chi phí được khấu trừ khi kê khai tất cả hóa đơn điện tử và chi phí được trừ dựa trên số hóa đơn lưu trữ hợp lệ.

Theo ông Trần Lê Phong, hiện nay số doanh nghiệp rơi vào trường hợp như trên khá nhiều vì từ trước tới nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lưu trữ hóa đơn điện tử. Do đó, trước khi Nghị định 119 có hiệu lực, cơ quan thuế cần đẩy mạnh việc phổ biến thông tin, hướng dẫn chi tiết cách sử dụng hóa đơn điện tử giúp các doanh nghiệp bớt lúng túng và giảm thiểu các sai sót kỹ thuật không đáng có.

Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN

Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế. Theo đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí in ấn, lưu trữ hóa đơn, giảm thiểu rủi ro do mất, hư hỏng hóa đơn và tránh bị làm giả hóa đơn, từ đó tạo được niềm tin với đối tác, khách hàng.

Ngược lại, việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính cho cơ quan thuế, hỗ trợ việc quản lý sử dụng hóa đơn hiệu quả hơn, hạn chế tối đa các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và tạo cơ sở để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Tuy nhiên, để việc thực hiện Nghị định 119 của Chính phủ về hóa đơn điện tử đạt được hiệu quả, ông Nguyễn Nam Bình khuyến nghị các doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu thông tin, chuẩn bị hệ thống hạ tầng để chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt, tránh trường hợp bị động đợi tới hạn chót mới chuyển đổi sẽ bị rối.

Theo ông Nguyễn Nam Bình, hiện nay Bộ Tài chính vẫn đang tiến hành soạn thảo các văn bản hường dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 119. Vì vậy, những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về những bất cập trong quy định sử dụng hóa đơn điện tử sẽ được cơ quan thuế ghi nhận và kiến nghị lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để có sự điều chỉnh kịp thời, đảm bảo việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sẽ phù hợp với điều kiện thực tế của các doanh nghiệp./.

>>> Những lợi ích khi sử dụng hoá đơn điện tử

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục