Doanh nghiệp Việt tiếp cận nền tảng điện tử lớn còn khó

17:42' - 15/07/2023
BNEWS Chuyển đổi số, thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, việc tiếp cận tới các nền tảng thương mại điện tử khổng lồ, đã phát triển mang tầm quốc tế như: Amazon, Walmart, Alibaba,… vẫn còn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường.

 

Chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện thành công trong thương mại điện tử xuyên biên giới trên Alibaba.com, đại diện Tập đoàn này cho biết: Thành lập năm 1999, Alibaba.com luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu nhà nhập khẩu và nhà cung cấp toàn cầu giao thương trực tuyến với nhau.

Thời gian qua, khách hàng gửi niềm tin vào Alibaba.com bởi đây là sàn thương mại điện tử B2B(doanh nghiệp với doanh nghiệp) lớn và uy tín trên thế giới với đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, tận tâm.

Bên cạnh đó, nền tảng của sàn cũng có những tính năng cần thiết cho nhà bán hàng như RFQ (yêu cầu báo giá), livestream, hội chợ thương mại trực tuyến… giúp dễ dàng tiếp cận được nhanh, đúng và trúng với nhu cầu của người mua.

Để nâng cao năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, Alibaba.com đã tiến hành các hoạt động tập huấn đào tạo nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho các đơn vị.

Với thế mạnh của Alibaba.com là sàn bán sỉ (B2B) có lượng người mua sỉ lớn nên một số ngành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói… của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh trên sàn Alibaba.com về chi phí giá thành.

Bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp còn rất lớn. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thông qua thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.

Tuy nhiên, bà Lại Việt Anh đã chỉ ra một số rào cản như quy định khắt khe của thị trường xuất khẩunhư doanh nghiệp phải nắm bắt được những quy định của từng thị trường và quy định với những loại hàng hoá khác nhau. Đồng thời, tuân thủ đúng hành lang pháp lý khi kinh doanh trên môi trường quốc tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nghiên cứu thị trường để đáp ứng đúng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; chưa đủ kỹ năng, kiến thức về marketing trong thương mại điện tử xuyên biên giới; chưa có đội ngũ chuyên nghiệp xây dựng định hướng và chiến lược kinh doanh dài hạn.

Cùng đó là rào cản về chi phí để tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh các chi phí sản xuất, phân phối thông thường còn có các chi phí về marketing, chi phí vận tải, chi phí lưu kho…

Một rào cản nữa là về vấn đề logistics mà doanh nghiệp cần nắm rõ quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, phương án bảo quản hàng hoá hiệu quả, tính toán được phương án logistics tối ưu, chi phí thấp để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, vươn ra thị trương quốc tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Qua đó, có rất nhiều giải pháp như nâng cao năng lực, đào tạo cho doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số, mở website, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc những chương trình thương mại điện tử thường niên để kích cầu thị trường, mở rộng thị trường bán hàng xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử.

Cùng với đó là Nghị định 80/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra những mức hỗ trợ rất cụ thể đối với doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số; hoặc khi tham gia bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn. Cụ thể, hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng trên những nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, còn có Quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối toàn cầu; trong đó coi hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới mà một giải pháp cốt lõi.

Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản đang gặp phải, hướng tới mục tiêu doanh nghiệp Việt tiếp cận và xuất khẩu thành công qua nền tảng thương mại điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cũng đã có một số hoạt động nghiên cứu và hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn và các đối tác có nguồn lực, giải pháp kỹ thuật.

Bên cạnh đó là quy trình vận hành cùng đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới - Go Export.

Điểm khác biệt của Chương trình là sự đồng hành xuyên suốt của đội ngũ chuyên môn trong dài hạn, giúp doanh nghiệp tối ưu hoá các chi phí, đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Go Export hỗ trợ doanh nghiệp với 8 nhóm giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp tháo gỡ tất cả các khâu từ bước nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thủ tục pháp lý, logistic, marketing… đến khi bán được hàng và xa hơn là tối ưu doanh số trên sàn thương mại điện tử quốc tế.

Thời gian tới, Chương trình Go Export sẽ tiếp tục mở rộng việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận và xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử quốc tế, nhất là qua nền tảng thương mại điện tử lớn như Amazon với lượng khách hàng khổng lồ trên toàn cầu.

Đồng thời, tổ chức các buổi trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, giúp đánh giá tiềm năng của thị trường xuất khẩu và nghiên cứu sơ bộ các sản phẩm, đưa ra tư vấn tổng quan cho doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phù hợp tham gia chương trình, đội ngũ chuyên môn và chuyên gia sẽ xây dựng chiến lược dài hạn và đồng hành xuyên suốt trong quá trình xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục