Doanh nghiệp xuất khẩu “chạy đua” những tháng cuối năm

16:39' - 29/10/2019
BNEWS Nếu như kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Đồng Nai trong tháng 9 chỉ tăng 1,14% so với tháng 8, thì đến tháng 10/2019 kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 14,3% so với tháng trước, đạt 1,78 tỷ USD.
Doanh nghiệp Đồng Nai may hàng xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu thường tăng cao vào những tháng cuối năm là do doanh nghiệp gấp rút hoàn thành những đơn hàng, kịp thời gian xuất khẩu theo các hợp đồng ký kết trong năm.

Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho biết, lũy kế kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2019 trên địa bàn đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 5,61% so cùng kỳ; trong đó, khối kinh tế vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dẫn đầu với kim ngạch đạt 13,1 tỷ USD, tăng 5,8%; khối kinh tế ngoài nhà nước đạt 2,53 tỷ USD, tăng 4,8%; khối kinh tế nhà nước đạt 410 triệu USD, tăng 4%.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai vẫn tiếp tục đạt kim ngạch cao và ổn định như: Giày, dép các loại đạt 3,48 tỷ USD, tăng 15,6%; hàng dệt may đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,7%; máy móc thiết bị đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,2%; sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6,1%.

Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2018 như: xơ, sợi dệt đạt 1,2 tỷ USD, giảm 6,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử đạt 500 triệu USD, giảm 6,5%; cà phê đạt 329 triệu USD, giảm 13,9% so cùng kỳ.

Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2019 của Đồng Nai tăng thấp là do giá xuất khẩu giảm mạnh và chịu ảnh hưởng bất lợi của thị trường xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Đồng Nai trong 10 tháng, tập trung chủ yếu là Hoa Kỳ đạt 495 triệu USD, chiếm 30%; Nhật Bản đạt 192 triệu USD, chiếm 12%; Trung Quốc đạt 193 triệu USD, chiếm 13%. Các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu khá như: Hàn Quốc, Bỉ, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Đức, Australia… chiếm tỷ trọng từ 2% đến 5,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp về xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vương mắc nhất là về thủ tục hành chính; kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI để doanh nghiệp xuất khẩu chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm bớt nhập khẩu và lệ thuộc vào thị trường ngoài nước.../.

Xem thêm:

>>Ảnh hưởng thương chiến Mỹ - Trung, xuất khẩu Đồng Nai tăng chậm

>>Đồng Nai xuất khẩu giày dép và dệt may đạt trên 3,5 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục