Đổi mới sáng tạo thành công: Chủ động từ doanh nghiệp

17:56' - 15/12/2021
BNEWS Bên cạnh sự hỗ trợ khơi thông về chính sách của cơ quan Nhà nước thì đổi mới sáng tạo thành công hay không phụ thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp.

Đổi mới sáng tạo đang được đánh giá là xu hướng tất yếu của mọi nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh và rộng trên phạm vi toàn cầu, cùng với đó là những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, buộc doanh nghiệp phải đổi mới để thích ứng.

Điều này cho thấy bên cạnh sự hỗ trợ khơi thông về chính sách của cơ quan Nhà nước thì đổi mới sáng tạo, thành công hay không  phụ thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp.

*Sáng tạo hơn để thích ứng

Tại hội thảo "Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam", do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 15/12, tại Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, bà Nguyễn Lệ Thủy cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Cụ thể là những cơ hội về sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng; sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch sẽ khiến giao dịch số/online tăng mạnh.

Cùng với đó là sự sẵn sàng của các nền tảng công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường với 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, doanh thu là 135 tỷ USD, tăng trưởng 10%. Đặc biệt là các giải pháp và hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Có chung nhận định về vai trò quan trọng của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, chuyển đổi số là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai. Chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Chỉ báo kinh tế số tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ thuê bao băng rộng (cả cố định và di động) tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực.

Tuy nhiên, môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cụ thể là, tỷ lệ giao dịch kỹ thuât số của Việt Nam chỉ đạt 22%. Trong khi đó, ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực chỉ đạt 10% so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.

Cùng với đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong chuyển đổi số, như: chi phí đầu tư vào chuyển đổi số cao; hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển; các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận. Đồng thời, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; các doanh nghiệp còn thiếu tiếp cận, kiến thức, thông tin về công nghệ số.

Bà Bùi Thu Thủy cho rằng, môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khiêm tốn. Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, thì các chỉ tiêu khác như: thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số tại Việt Nam còn thấp; Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều quy định liên quan đến chuyển đổi số đang được xây dựng, hình thành cùng sự gia tăng các rủi ro liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, đại dịch COVID-19, đã cho doang nghiệp cơ hội để thay đổi, theo đó đặt vị trí người tiêu dùng là trung tâm để thiết kế, xây dựng các chương trình phát triển của doanh nghiệp.

"Trong giai đoạn giãn cách chúng tôi đã ra nhiều chương trình gắn kết người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình. Việc chuyển đổi số là yếu tố tất yếu của doanh nghiệp. Do vậy, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải sáng tạo hơn để thích ứng với sự thay đổi của xã hội", bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thy Nga, Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư và quản lý V-startup cũng cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn về vốn trong ứng dụng số. Tuy nhiên, sự liên kết cộng đồng, hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp vươn lên, tiếp cận được các chính sách và khoá đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiểu biết hơn về việc chi tiền cho đầu tư vào khoa học công nghệ và công nghệ thông tin.

*Đồng bộ giải pháp

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bà Bùi Thu Thủy cho biết, ngày 7/1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, UNDP cho biết có 77% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19; 76% bị suy giảm doanh thu; 59% khó khăn trong phát triển thị trường; 41% khủng hoảng trong duy trì dòng vốn.

"Vì vậy, khi đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, UNDP luôn phải dấn thân với họ, sâu sát với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, cũng như xây dựng một mạng lưới để cùng xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", ông Nguyễn Tuấn Lương nói.

Đề xuất giải pháp, bà Nguyễn Thy Nga cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển hạ tầng số và nền tảng số. Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển đồng bộ các thành tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp và xây dựng hệ thống quản trị công cho đổi mới sáng tạo.

Đại diện Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, TS. Chử Đức Hoàng nhận định, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn hỗ trợ tài chính để nghiên cứu, phát triển. Thực tiễn các doanh nghiệp Việt Nam gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn tài trợ để nghiên cứu, phát triển, làm chủ và thương mại hóa công nghệ mới.

"Các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt về công nghệ không kể nhà nước hay tư nhân cần được khuyến khích về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và hỗ trợ tín dụng để hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ", TS. Chử Đức Hoàng cho biết.

Ông Ngô Long Giang, Giám đốc Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán MB đề xuất, Chính phủ tiếp tục khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; trong đó, nên tiếp tục giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp.

"Để hỗ trợ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp phục hồi trong đại dịch COVID-19, Chính phủ nên tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ; cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh...", ông Ngô Long Giang nói.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ khơi thông về chính sách của cơ quan Nhà nước thì đổi mới sáng tạo, thành công hay không phụ thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp. "Chủ thể chính thực hiện đổi mới sáng tạo chính là cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tạo ra việc làm và tạo ra tăng trưởng", bà Nguyễn Lệ Thủy khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục