Đối tác cần thiết giúp ASEAN đảm bảo an ninh lương thực

05:30' - 28/08/2024
BNEWS Các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Australia diễn ra ở Viêng Chăn (Lào) vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của các đối tác như Australia trong việc góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực.

Trong những năm gần đây, các cuộc khủng hoảng chồng chéo nhau  - từ đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, cạnh tranh giữa các cường quốc và căng thẳng khu vực đến tác động ngày càng tàn khốc của biến đổi khí hậu - đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung cấp lương thực và hoạt động thương mại trong khu vực.

Các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Viễn cảnh chuỗi cung ứng thực phẩm nhập khẩu có thể tiếp tục bị gián đoạn chắc chắn là điều đáng báo động đối với các chính phủ. Trong khi một số nước như Philippines phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng hơn 25% nhu cầu lương thực, thì con số này đối với một số nước khác như Singapore lên tới hơn 90%.

An ninh lương thực của Đông Nam Á và Đông Bắc Á có liên quan chặt chẽ với nhau. Các số liệu về sự phụ thuộc vào nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp chính ở Đông Bắc Á thậm chí còn đáng báo động hơn. Ví dụ, Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu khoảng 62% nhu cầu thực phẩm, phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mỳ (83%), đậu nành (78%) và dầu ăn (97%).

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nội địa là điều mà các chính phủ nghĩ đến trước tiên. Tuy nhiên, những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt (như hạn chế về đất đai và nguồn nước) không thể được giải quyết trong một sớm một chiều. Thay vào đó, cần có một cách tiếp cận theo khu vực.

Một số giải pháp đã được thực hiện. Đáng chú ý, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng ba quốc gia đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã triển khai Dự án kho dự trữ gạo khẩn cấp (ASEAN APTERR) với việc thành lập một kho dự trữ gạo chung để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc thiên tai. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại cho thấy cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn và nên dựa vào các đối tác sản xuất lương thực hàng đầu như Australia.

Để đạt được điều này, Australia và New Zealand có thể tham gia thành lập một kho dự trữ lương thực khẩn cấp ASEAN +5 và một nền tảng chia sẻ lương thực. Việc đưa Australia và New Zealand - hai cường quốc nông nghiệp và xuất khẩu – tham gia cơ chế này có thể tạo ra một nền tảng chia sẻ lương thực cho khoảng 2,2 tỷ người đang sinh sống tại 15 quốc gia của khu vực. Làm như vậy sẽ tập hợp các nước xuất khẩu lương thực hàng đầu và các nước nhập khẩu chính.

Australia và New Zealand là những nước xuất khẩu ngũ cốc, sữa, thịt và hạt có dầu hàng đầu thế giới. Australia cũng là nước xuất khẩu cừu và thịt cừu lớn nhất, đồng thời cung cấp hơn 13% lượng lúa mỳ xuất khẩu toàn cầu. Là nước xuất khẩu thịt bò và lúa mạch hàng đầu, Australia cũng xuất khẩu một lượng nhỏ hạt có dầu (như cải dầu).

Về phần mình, New Zealand là nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu thịt cừu lớn thứ hai toàn cầu. Đây cũng là nước xuất khẩu thịt bò lớn.

Các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á là những nước nhập khẩu và tiêu thụ chính các sản phẩm nông nghiệp này. Ví dụ, trong năm tài chính 2022–2023, hầu hết lúa mỳ của Australia được xuất khẩu sang Trung Quốc (kỷ lục 6,4 triệu tấn) và Indonesia (3,49 triệu tấn). Các nước nhập khẩu hàng đầu khác bao gồm Việt Nam (2,38 triệu tấn), Hàn Quốc (2,26 triệu tấn) và Philippines (2,22 triệu tấn).

Nhu cầu lương thực trong khu vực sẽ tiếp tục tăng do dân số tăng, tầng lớp trung lưu mở rộng và thu nhập cao hơn. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho sản xuất và thương mại lương thực hiện tại. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng khó có thể được đáp ứng chỉ bởi các nhà sản xuất/xuất khẩu nông sản đến từ châu Á.

Australia và New Zealand có tiềm năng tốt để hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Việc tham gia vào cơ chế do ASEAN khởi xướng có thể biến hai quốc gia nêu trên thành "vựa lương thực" rất cần thiết cho khu vực, thúc đẩy xuất khẩu và thương mại nội khối.

Bên cạnh đó, Australia và New Zealand còn có những lợi ích khác. Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện. Riêng đối với Australia, an ninh và thịnh vượng của nước này và Đông Nam Á có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, như Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 đã chỉ ra.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Bên cạnh những căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia, cần phải lưu ý đến các tác động khác, bao gồm các mối lo ngại khác như cú sốc biến đổi khí hậu và cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực và gây tổn hại đến sản xuất nông nghiệp.

Những lo ngại rộng hơn về khả năng duy trì trong quan hệ đối tác Australia-ASEAN cũng như quan hệ song phương của Australia với các quốc gia ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á cũng cần được xem xét. Trong những năm gần đây, chính sách thương mại của Australia đôi khi đã khiến các đối tác thương mại của nước này không hài lòng.

Đáng chú ý, vào năm 2011, Australia đã áp dụng lệnh cấm tạm thời trong 6 tháng đối với việc xuất khẩu gia súc sống sang Indonesia sau khi một đoạn phim bị rò rỉ cho thấy hành vi đối xử tàn ác đối với động vật tại các lò mổ của Indonesia được công bố. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Indonesia đang là một nước nhập khẩu chính gia súc của Australia.

Lệnh cấm tạm thời và việc mất đột ngột một thị trường xuất khẩu quan trọng cũng gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho các bên liên quan của Australia bao gồm nông dân và nhà xuất khẩu thông qua tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế và dòng tiền. Các ước tính tại thời điểm lệnh cấm được áp dụng cho thấy ngành xuất khẩu gia súc sống của Australia thiệt hại tới 320 triệu AUD (216,93 triệu USD).

Trên mặt trận ngoại giao, lệnh cấm đã gây căng thẳng cho quan hệ Australia-Indonesia. Các quan chức Indonesia lên án quyết định này, coi đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ và lợi ích kinh tế của họ. Tranh chấp về xuất khẩu gia súc sống giữa Australia và Indonesia sau đó đã được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán và cam kết cải thiện các tiêu chuẩn phúc lợi động vật.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị ngày càng chia rẽ, hoạt động thương mại nội khối mạnh mẽ hơn và dự trữ lương thực khẩn cấp lớn hơn có thể giúp tạo ra sự ổn định và khả năng phục hồi lớn hơn của khu vực trước các thách thức xuyên quốc gia. Và cần phải làm như vậy vì an ninh lương thực là vấn đề tối quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục