“Động đất” ở Volkswagen có thể làm chao đảo nền kinh tế Đức

05:30' - 08/10/2024
BNEWS Báo “Thương gia” của Nga số ra mới đây đăng bài viết phân tích nguyên nhân hãng xe khổng lồ của Đức Volkswagen (VW) đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc.
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe điện ID 3 của Tập đoàn sản xuất xe hơi Đức Volkswagen (VW) ở Dresden, miền Đông Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết nhận định, hãng xe Volkswagen có thể lần đầu tiên trong lịch sử đóng cửa các nhà máy ở Đức và sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Volkswagen hy vọng động thái này sẽ giúp họ thoát khỏi khủng hoảng. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang ở trong tình thế khó khăn trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các hãng xe Trung Quốc, trong bối cảnh nhu cầu ở châu Âu giảm và ô tô điện không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, tình hình của VW phức tạp hơn so với các công ty khác, một phần do tính chất sản xuất hàng loạt của hãng này.

 

* “Không loại trừ khả năng đóng cửa nhà máy”

Tháng Chín vừa qua, Volkswagen cảnh báo kết quả kinh doanh cả năm của công ty sẽ tệ hơn dự báo. Tỷ suất lợi nhuận là 5,6% so với dự kiến trước đó là từ 6,5-7% và doanh thu trong năm sẽ giảm 0,7%, so với mức tăng trưởng 5% dự báo ban đầu. Đây là dấu hiệu mới cho thấy các vấn đề ngày càng trầm trọng của VW.

Một tháng trước, Volkswagen cho biết họ có thể phải đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử gần 90 năm. Giám đốc điều hành VW Oliver Blume lưu ý công ty đã chi nhiều hơn mức cần thiết khoảng 1,5 tỷ euro mỗi năm. Trong những tuần gần đây, thông tin về VW đã xuất hiện trên trang nhất của tất cả các báo Đức.

“Động đất ở Volkswagen” là dòng tiêu đề xuất hiện trên trang nhất báo Wolfsburger Nachrichten của thành phố Wolfsburg, nơi được xây dựng đặc biệt cho công ty vào cuối những năm 1930 để làm trụ sở và nhà máy. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của VW giảm 11,4%. Giá cổ phiếu công ty đã giảm hơn 30% trong sáu tháng qua. Các chính trị gia và chuyên gia cũng lưu ý rằng các vấn đề của VW có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Đức. Theo nhà kinh tế cấp cao Carsten Brzeski tại ngân hàng ING Hà Lan, VW quan trọng đối với kinh tế Đức hơn là “toàn bộ thương mại với Hy Lạp”.

* Thách thức từ Trung Quốc

Không thể nói rằng các vấn đề của VW là duy nhất. Theo nhiều cách, những vấn đề này phản ánh khó khăn của toàn bộ ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Trong quý II/2024, nhiều nhà sản xuất ô tô lớn thông báo kết quả kinh doanh khá yếu kém. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp trong số họ cũng đang điều chỉnh hạ dự báo về kết quả kinh doanh cả năm: BMW và Mercedes-Benz đã làm điều này trong những tuần gần đây. Cổ phiếu của Stellantis giảm 52% giá trị trong sáu tháng, trong khi giá cổ phiếu BMW giảm 32% và giá cổ phiếu Mercedes-Benz giảm 24%.

Một trong những vấn đề dài hạn đối với ngành này là sự thờ ơ của người tiêu dùng địa phương đối với xe điện. Tại Đức, doanh số bán ô tô điện đã giảm gần 69% trong tháng 8/2024. Tại Liên minh châu Âu (EU), doanh số này giảm gần 44%. Các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm mạnh như vậy là do chính phủ bãi bỏ trợ cấp mua xe điện.

Việc mở rộng sản xuất xe điện đòi hỏi đầu tư đáng kể trong những năm gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp thừa nhận các kế hoạch này là quá tham vọng. Nhiều người mua lựa chọn ô tô động cơ đốt trong do hạ tầng trạm sạc chưa phát triển đầy đủ, cũng như giá ô tô điện cao.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà sản xuất Trung Quốc nói chung là một thách thức dài hạn khác đối với thị trường. Doanh số bán hàng của VW tại Trung Quốc đã giảm 7% trong nửa đầu năm nay. Sự cạnh tranh với Trung Quốc cũng đang ngày càng gay gắt ở chính thị trường châu Âu, ngay cả khi thuế quan đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên. Hơn nữa, trong tương lai, tình hình của VW có thể còn tồi tệ hơn, nếu sau khi tăng thuế, các công ty Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà máy của họ ở châu Âu.

* "Không có Kế hoạch B"

Tình hình với Volkswagen càng phức tạp hơn khi nhu cầu mua ô tô ở châu Âu đang giảm giữa bối cảnh lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng và bất ổn kinh tế vĩ mô. Giám đốc Tài chính của VW, Arno Antlitz cho biết ông không mong đợi nhu cầu mua ô tô sẽ sớm quay trở lại như trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Theo dự báo của ông, số lượng ô tô bán ra hàng năm sẽ ít hơn khoảng 500.000 chiếc so với trước đại dịch và con số này “tương đương với sản lượng của khoảng hai nhà máy”.

Khó khăn nhất là đối với các thương hiệu đại chúng. Ví dụ, Mercedes-Benz và BMW ở trong tình trạng tốt hơn VW, chủ yếu do họ sản xuất xe đắt tiền - giá của chúng tăng khi doanh số bán hàng giảm. Trong tập đoàn Volkswagen, các thương hiệu hạng sang nhỏ hơn như Porsche và Bugatti chiếm tỷ trọng lợi nhuận gần như tương đương với phân khúc đại chúng khổng lồ của VW. Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Cạnh tranh mới về giá, giá năng lượng tăng và chi phí lao động cao đều cho thấy một triển vọng đầy thách thức, đặc biệt đối với các thương hiệu đại chúng ở châu Âu”.

Trong một thị trường đang thu hẹp, cách cạnh tranh chính là giảm giá. VW gần đây đã thực hiện bước đi này, nhưng trong môi trường chi phí cao, điều đó lại đang khiến lợi nhuận giảm sút. Hơn nữa, Đức là một trong những quốc gia có chi phí lao động cao nhất ở châu Âu - tiền lương tại các nhà máy ô tô ở Đức trung bình là 62 euro/giờ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng những vấn đề hiện tại là do trước đây VW chưa tích cực thay đổi. Nhà phân tích ô tô độc lập Matthias Schmidt cho biết: “Trong 20 năm qua, VW vẫn là một con quái vật cồng kềnh từ chối cắt giảm những phần dư thừa khỏi mạng lưới sản xuất của mình”.

Theo ước tính của Marklines, các cơ sở của VW tại Đức được thiết kế để sản xuất 2,7 triệu ô tô mỗi năm, nhưng hiện chỉ sản xuất được khoảng 2 triệu chiếc. Trong điều kiện như vậy, VW đang ngày càng cố gắng cắt giảm chi phí. Năm ngoái, công ty đã công bố kế hoạch tiết kiệm 10 tỷ euro vào năm 2026. Theo ông Antlitz, để làm được điều này, công ty sẽ phải cắt giảm tới 25.000 nhân viên trong số khoảng 300.000 nhân viên hiện đang làm việc tại VW ở Đức.

Nỗ lực đóng cửa các nhà máy ở Đức có thể gây ra xung đột nghiêm trọng với công đoàn. Các thành viên công đoàn và hội đồng lao động chiếm một nửa số ghế trong ban giám sát VW. Từ giữa những năm 1990, công ty đã có những quy định bảo vệ việc làm khá nghiêm ngặt, khiến việc sa thải nhân viên trở nên khó khăn. Chính những mâu thuẫn lặp đi lặp lại với công đoàn đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến cựu Giám đốc điều hành Herbert Diess từ chức năm 2022.

“Chúng tôi sẽ tự vệ quyết liệt. Với chúng tôi, sẽ không có việc đóng cửa nhà máy”, người đứng đầu Hội đồng sản xuất của VW Daniela Cavallo cho biết. Bà cũng không loại trừ khả năng xảy ra bãi công - điều khá hiếm khi xảy ra tại các nhà máy của VW.

Sau khi tuyên bố có thể đóng cửa nhà máy vào đầu tháng Chín vừa qua, ban lãnh đạo VW đã tổ chức một số cuộc đàm phán khó khăn với đại diện công đoàn và Hội đồng sản xuất, cũng như với khoảng 15.000 công nhân đến gặp các nhà quản lý cấp cao. Nhà phân tích Philippa Houchois tại Jefferies, bình luận: “Tôi không nghĩ có Kế hoạch B, vì việc cắt giảm công suất là cần thiết”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục