Thăng trầm trong quan hệ kinh tế Đức - Hy Lạp

05:30' - 09/09/2024
BNEWS Bất chấp mọi căng thẳng giữa nước trong cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, Đức hiện là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Hy Lạp và là thị trường chính cho hàng xuất khẩu của nước này.

 

Đức là quốc gia khách mời chính thức, đồng thời là “quốc gia được vinh danh” tại Hội chợ quốc tế Thessaloniki năm nay. Hội chợ khai mạc ngày 7/9 tại Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai Hy Lạp. Đây là một sự thay đổi lớn so với vài năm trước, khi hai quốc gia châu Âu bất hòa trong cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp.

Khi cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp năm 2014-2015 lên đến đỉnh điểm, Athens đứng bên bờ vực phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đó là thời điểm “Grexit”, thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự rút lui giả định của Hy Lạp khỏi Eurozone, được thảo luận rộng rãi trên khắp lục địa. Các ngân hàng bị quốc hữu hóa, các công ty đóng cửa và người dân ở Hy Lạp mất tới 40% thu nhập. Nhiều người Hy Lạp đổ lỗi cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà họ cảm thấy là do Berlin áp đặt.

* Quan hệ kinh tế được cải thiện

Một thập kỷ sau, nhiều thay đổi đã diễn ra trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Năm 2024, Hy Lạp có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất ở châu Âu. Từng bị coi là “đứa con có vấn đề” của khu vực Eurozone, Hy Lạp đã xoay chuyển tình thế với kỳ vọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay.

Nhờ thu nhập từ lĩnh vực du lịch tăng, Hy Lạp đã công bố thặng dư ngân sách cao trong những năm gần đây. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là quốc gia này đã kiếm được nhiều hơn số tiền đã chi. Hơn nữa, Hy Lạp  có thể tái cấp vốn cho khoản nợ với lãi suất thấp kỷ lục. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để tự mãn, vì tỷ lệ nợ tính trên GDP của Hy Lạp được dự báo sẽ lên tới 159% vào năm 2024. Con số này cao hơn so với giai đoạn trước khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu, đơn giản là vì hiệu suất kinh tế đã giảm đến 1/4 do hậu quả của cuộc khủng hoảng.

Nhưng nợ danh nghĩa không phải là vấn đề chính của Hy Lạp. Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, Giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Athens Panagiotis Petrakis cho biết: “Điều quan trọng hơn nhiều là người Hy Lạp tiếp tục công bố thặng dư ngân sách chính và đáp ứng các yêu cầu của EU”. Theo Giáo sư Petrakis, nếu điều đó xảy ra, đất nước này cũng sẽ có thể giảm tỷ lệ nợ trong những năm tới.

Theo báo cáo trên trang web kinh doanh Capital.gr, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Kostis Hatzidakis thậm chí còn muốn “gây bất ngờ” cho thị trường và đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ trên GDP xuống dưới 120% vào năm 2027.

Hy Lạp đã thực hiện các cải cách quan trọng và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để ứng phó với áp lực từ các chủ nợ. Vào tháng 2/2024, Ngân hàng trung ương Đức (Deutsche Bank) báo cáo kinh tế Hy Lạp đã có sự trở lại thần kỳ” và có “môi trường kinh tế vĩ mô nguyên vẹn”. Việc hiện đại hóa 14 sân bay khu vực của Fraport Greece, một công ty con của nhà điều hành sân bay Đức Fraport AG, được coi là một trong những dự án đầu tư mẫu mực của đất nước.

Mặc dù thành công kinh tế đạt được vượt quá mong đợi, nhưng không phải ai cũng vui vẻ. Có sự phản đối, chỉ trích liên quan đến cáo buộc “bán tháo tài sản công” cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nhóm cánh tả.

Nhưng ông Petrakis cho rằng khoản đầu tư vào Fraport đã thành công, cụ thể là vì người Đức đã đầu tư vào các sân bay nhỏ hơn, qua đó thu hút nhiều du khách đến Hy Lạp hơn. Ông nhấn mạnh rằng không chỉ nhà đầu tư Đức được hưởng lợi từ dự án mà cả nền kinh tế địa phương ở tất cả các khu vực mà Fraport hoạt động.    

Bất chấp mọi căng thẳng giữa hai quốc gia trong cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, Đức hiện là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Hy Lạp và là thị trường chính cho hàng xuất khẩu của quốc gia này. Và điều đó có tác dụng theo cả hai hướng. Các sản phẩm “Sản xuất tại Đức” cũng có nhu cầu rất lớn ở Hy Lạp. Khi nói đến hàng nhập khẩu, Đức đứng đầu danh sách của Hy Lạp.

* Tập trung vào tăng trưởng bền vững

Theo các chuyên gia, Hy Lạp hiện cần quay trở lại con đường tăng trưởng bền vững và thịnh vượng mới là đầu tư nhiều hơn, trong đó bao gồm cả đầu tư từ Đức. Việc đầu tư như vậy đang ngày càng trở nên cấp thiết vì nhu cầu giảm tác động của lạm phát trong những năm gần đây và cắt giảm chi phí năng lượng.  

Theo ông Petrakis, Hy Lạp đã nhận được khoảng 40% số tiền dành cho quốc gia này từ quỹ phục hồi COVID-19 của EU. Nhưng ông khẳng định như vậy là chưa đủ. Ông cho biết: “Quan trọng là nhà đầu tư Đức và các nhà đầu tư nước ngoài khác phải tham gia nhiều hơn nữa, như trong lĩnh vực năng lượng hoặc vận tải”.

Ông đưa ra ví dụ về cảng Alexandroupoli ít được biết đến ở Đông Bắc Hy Lạp. Nằm ở vị trí chiến lược tại ngã ba của nhiều đường ống dẫn năng lượng và sẽ trở nên quan trọng hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu, ông Petrakis cho biết nơi này sẽ rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục