Động đất tại Kyushu – Những dư chấn đối với kinh tế Nhật Bản

07:16' - 05/05/2016
BNEWS Đảo Kyushu ở Tây Nam Nhật Bản vốn được coi là khu vực có ít nguy cơ xảy ra động đất hơn so với các nơi khác của Nhật Bản.
Hai trận động đất mạnh xảy ra đêm 14/4 và rạng sáng 16/4 tại đảo Kyushu, tây nam Nhật Bản, đã gây thương vong lớn và thiệt hại nặng nề về vật chất, trong đó nghiêm trọng nhất là tỉnh Kumamoto. Ảnh: THX/TTXVN

Thế nhưng, hàng trăm trận động đất và dư chấn lớn nhỏ mà mạnh nhất là hai trận động đất xảy ra tại khu vực này đêm 14/4 và rạng sáng ngày 16/4 với cường độ lần lượt 6,5 độ richte và 7,3 độ richte. Hai trận động đất mạnh này không chỉ gây thương vong lớn về người mà còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nhật Bản.

Những dư chấn kinh tế

Kyushu là nơi tập trung nhà máy của nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu Nhật Bản như Toyota, Sony, Honda, Mitsubishi, Daihatsu, Nissan… Trận động đất khiến cho các nhà máy đặt tại khu vực này phải ngừng hoạt động, gây ra sự đình trệ sản xuất mang tính dây chuyền trên toàn quốc.

Tuyến đường quốc lộ bị phá hỏng trong động đất, tại Minamiaso, tỉnh Kumamoto ngày 17/4. THX/TTXVN

Toyota là tập đoàn gánh thiệt hại lớn nhất. Tập đoàn này thông báo sẽ ngừng hoạt động sản xuất ô tô tại Nhật Bản từ ngày 18/4 do thiếu nguồn cung phụ tùng sau khi động đất làm đình trệ dây chuyền sản xuất đặt tại Kyushu.

Toyota là tập đoàn có sản lượng sản xuất nội địa cao nhất trong số các doanh nghiệp sản xuất ôtô tại Nhật Bản. Theo số liệu chính thức, Toyota và các chi nhánh sản xuất hơn 4 triệu ôtô tại Nhật Bản trong năm 2015, chiếm 40% sản lượng toàn cầu.

Toyota thừa nhận đợt động đất này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của tập đoàn và dự đoán lợi nhuận của tập đoàn trong Quý II/2016 giảm 30 tỷ yen. Tính đến thời điểm này, việc đình trệ dây chuyền sản xuất tại Kyushu đã khiến sản lượng ôtô của Toyota tại Nhật Bản giảm 50.000 xe.

Một ngành kinh tế quan trọng của vùng Kyushu bị ảnh hưởng nặng trong thảm họa này là du lịch. Kyushu vốn là điểm du lịch ưa thích của du khách Hàn Quốc và Nhật Bản nhờ vào sự tiện lợi về giao thông, du khách có thể đi phà sang Kyushu, và danh lam thắng cảnh phong phú như hệ thống suối nước nóng Beppu, toà thành cổ Kumamoto, đền cổ Aso…

Trận động đất khiến cho các nhà máy đặt tại khu vực này phải ngừng hoạt động, gây ra sự đình trệ sản xuất mang tính dây chuyền trên toàn quốc. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo Sở du lịch Kyushu, năm 2015, có 2,83 triệu lượt du khách nước ngoài đến vùng đất này (tăng 69% so với năm trước), trong đó du khách châu Á chiếm tới 70%. Tuy nhiên, giới chức phụ trách du lịch tại Kyushu thừa nhận tình hình lạc quan này sẽ không còn trong thời gian tới do du khách lo ngại về nguy cơ động đất.

Cơ quan địa chất Nhật Bản xác nhận tổng cộng có hơn 500 cơn dư chấn xảy ra tại Kyushu từ ngày 14/4/2016 và không loại trừ nguy cơ một trận động đất cường độ mạnh có thể xảy ra tại khu vực này trong thời gian tới. Theo dự đoán của ngành du lịch Kyushu, lo ngại về động đất sẽ khiến lượng du khách nước ngoài đến khu vực này giảm tới 70% trong Quý II/2016.

Thách thức đối với Abenomics

Theo số liệu ước tính ban đầu của các chuyên gia Mỹ, hai trận động đất liên tiếp tại Kyushu đêm 14/4 và 16/4 làm kinh tế Nhật Bản thiệt hại khoảng 10 tỷ USD. Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm Nhật Bản vẫn đang tính toán mức độ thiệt hại của thảm họa này.

Xét về phương diện kinh tế, Kyushu không phải là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Kyushu chỉ chiếm chưa đến 10% GDP toàn quốc, trong đó hai tỉnh thiệt hại nặng nhất là Kumamoto và Oita chỉ chiếm khiêm tốn 1%. 

Tuy nhiên, những con số này không phản ánh được thực tế của bối cảnh khi nền kinh tế đang chật vật để khôi phục tăng trưởng, một mắt xích nhỏ bị hỏng cũng đủ gây ra hậu quả lớn. Thậm chí, một chuyên gia kinh tế của BNP Parisbas Securities đã dự đoán tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong Quý II/2016 có thể ở mức dưới 0 do ảnh hưởng động đất. 

Trong bối cảnh này, việc tăng thuế tiêu dùng sẽ làm tăng gánh nặng lên người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng vừa bị thảm họa. Ảnh: Getty/TTXVN

Triển vọng kinh tế có thể còn u ám hơn trong bối cảnh đồng yên tăng giá. Sau động đất tại Kyushu, đồng yen đã tăng giá lên mức 108 yen/USD khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản lo ngại.

Theo các chuyên gia kinh tế, sau thảm họa động đất tại Kobe năm 1995 và thảm họa động đất – sóng thần tại vùng Đông Bắc năm 2011, đồng yen cũng đã tăng giá do thị trường dự đoán các công ty và doanh nghiệp bảo hiểm bán các tài sản ở nước ngoài để có ngân sách cho quá trình tái thiết trong nước cũng như thanh toán tiền bảo hiểm. Các chuyên gia không loại trừ khả năng kịch bản đó đang lặp lại.

Một vấn đề nữa mà chính phủ đương nhiệm đang đối mặt là chương trình tăng thuế tiêu dùng lên mức 10% vào năm 2017. Trước đó, để thể hiện quyết tâm sẽ thực thi chương trình tăng thuế này, từng bị trì hoãn hai lần, Thủ tướng Shinzo Abe đã nói rằng việc tăng thuế tiêu dùng sẽ được tiến hành theo kế hoạch trừ phi Nhật Bản phải đối mặt những cú sốc lớn như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 hoặc thảm họa kép sóng thần – động đất vào tháng 3/2011 tại vùng Đông Bắc.

Giờ đây, với mức độ thương vong và thiệt hại mà trận động đất gây ra tại Kyushu, có vẻ như cả nước Nhật đang chờ đợi Thủ tướng thực hiện lời hứa của mình. Rõ ràng, trong bối cảnh này, việc tăng thuế tiêu dùng sẽ làm tăng gánh nặng lên người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng vừa bị thảm họa.  

Ngược lại, nếu không tăng thuế theo đúng lộ trình, chính phủ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì chính sách kinh tế để đạt được mục tiêu đã đề ra. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng chính phủ sẽ trì hoãn kế hoạch tăng thuế để tránh gây ra phản ứng tiêu cực từ dân chúng đối với liên minh cầm quyền, đặc biệt trong bối cảnh kỳ bầu cử Thượng viện sắp đến gần.    

Giới phân tích đánh giá triển vọng kinh tế tại Nhật Bản đang ảm đạm và chính phủ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đang điều tra về mức độ thiệt hại mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ gánh chịu, từ đó tiến hành chương trình cho vay hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yosihide Suga cho biết Tokyo dự kiến miễn giảm thuế địa phương sớm hơn so với kế hoạch. Hiện tại, theo ông Suga, chính phủ có thể sử dụng ngân sách dự phòng 3,2 tỷ USD trong tài khóa tới bắt đầu từ ngày 1/4.

Ông nói: “Điều mà chính phủ cần làm hiện này là phản ứng nhanh để hạn chế tối đa mức độ thiệt hại của thảm họa đối với nền kinh tế Nhật Bản”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 24/4 đã chỉ thị các thành viên nội các dự thảo ngân sách bổ sung để hỗ trợ các vùng bị thiên tai. Ngân sách bổ sung, có thể lên tới hàng trăm tỷ yên, sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua ngay trong kỳ họp Quốc hội hiện nay, dự kiến kết thúc vào ngày 1/6/2016.

Nhiều khả năng chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để hạn chế nguy cơ bội chi ngân sách trong bối cảnh ngân sách 2016 phát sinh khoản chi tiêu khẩn cấp lớn này.Phát biểu trước các nghị sĩ đối lập tại Quốc hội, ông nói Chính phủ muốn thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ các vùng bị động đất.

Kinh tế Nhật Bản đang trì trệ, đồng yên vẫn tăng giá.Thực trạng kinh tế này khiến cho chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục hứng chịu những chỉ trích nặng nề từ phe đối lập và người dân cho rằng Abenomics không hiệu quả.

Trong bối cảnh này, cú sốc thiên tai tại Kyushu xảy ra đột ngột đang đặt chính phủ đứng trước thử thách lớn về việc liệu có thể tiếp tục duy trì các chương trình kinh tế theo kế hoạch và liệu các chương trình này có đủ sức kéo kinh tế Nhật Bản thoát khỏi thời kỳ giảm phát kéo dài./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục