Đồng ringgit Malaysia có xu hướng mạnh lên so với USD

11:12' - 31/05/2024
BNEWS Nỗ lực thu hút vốn đầu tư của Malaysia đã góp phần giúp đồng ringgit mạnh lên, song câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có tiếp tục cắt giảm lãi suất hay không.

Các nhà phân tích cho biết, trong khi chờ đợi, Chính phủ Malaysia nên tiếp tục theo đuổi những chính sách cải cách kinh tế để tiếp tục xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư và ngăn chặn đà giảm giá của đồng ringgit.

 

Trên mạng xã hội X, Bộ Tài chính Malaysia cho hay, từ ngày 26/2-17/5, giá trị đồng ringgit đã tăng 2% so với đồng USD, trong khi đó đồng SGD của Singapore (Xin-ga-po), đồng NDT của Trung Quốc, đồng rupee của Ấn Độ và đồng baht của Thái Lan giảm lần lượt 0,2%, 0,4%, 0,7% và 1%. Trong cùng thời gian này, đồng won của Hàn Quốc, đồng rupiah của Indonesia (In-đô-nê-xi-a), đồng peso của Philippines (Phi-líp-pin) và đồng yen của Nhật Bản giảm từ 1,9% đến 3,4%.

Bộ Tài chính cho biết đà giảm giá của đồng ringgit đã được ngăn chặn, sau khi ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) khuyến khích các công ty liên kết với chính phủ (GLC) và các công ty đầu tư liên kết với chính phủ (GLIC) tăng cường hợp tác với các nhà xuất khẩu để chuyển đổi đồng USD sang đồng ringgit, tăng cường giám sát việc chuyển đổi tiền thu được từ hoạt động xuất và nhập khẩu, cũng như chính phủ tiếp tục đưa ra các cam kết về cải cách tài chính.

Lạm phát giảm ở Mỹ đã làm gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư, đồng thời khả năng Fed hạ lãi suất trong năm nay được coi là chất xúc tác cho sự phục hồi của đồng ringgit. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khẳng định, việc Malaysia nỗ lực thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án trong nước đã củng cố giá trị đồng ringgit so với các loại tiền tệ khác trong khu vực.

Khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất

Ông Lee Heng Guie, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Xã hội cho biết, chính phủ đang nỗ lực tuyên truyền về tính hiệu quả trong việc duy trì giá trị của đồng ringgit, qua đó giúp củng cố niềm tin của người dân.

Bất chấp giá trị đồng ringgit đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990, ngân hàng trung ương hồi tháng 2 vẫn tiếp tục khẳng định rằng, việc giá trị đồng ringgit suy giảm không phản ánh tình hình thực tế và triển vọng tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Về xu hướng tăng giá của đồng ringgit, ông Lee khẳng định, yếu tố quan trọng nhất là lãi suất của Fed. Những dấu hiệu cho thấy Fed có thể duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn, hoặc thậm chí tăng lên nếu cần thiết đã khiến đồng ringgit suy yếu hơn một chút trong thời gian gần đây.     

Đồng USD đang mạnh lên do có nhiều tín hiệu tích cực từ hoạt động thương mại, sản xuất, từ đó làm giảm kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất. Nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng đề cập đến việc sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để ứng phó với rủi ro lạm phát. Theo ông Lee, nếu Fed cắt giảm lãi suất, giá trị đồng ringgit sẽ tăng lên một mức khác. Tuy nhiên, ông vẫn thận trọng khi nhận định rằng, tình hình vẫn còn nhiều bất ổn và biến động.

Ngày 9/5, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Malaysia Adnan Zaylani cho biết, từ góc độ tăng trưởng, Malaysia tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, trong đó lạm phát được duy trì ở mức thấp.

Từ đầu năm 2022 cho đến đầu tháng 5/2024, giá trị đồng ringgit tăng so với đồng yên Nhật, won Hàn Quốc và chỉ suy yếu nhẹ hơn so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng rupiah của Indonesia và đồng rupee của Ấn Độ. Ông Adnan Zaylani khẳng định: “chúng ta đang phải đối mặt với chu kỳ mạnh lên của đồng USD, đây là câu chuyện riêng của đồng USD chứ không phải là sự tập trung vào sự suy giảm của đồng ringgit”.

Tiến sĩ Shankaran Nambiar, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Malaysia cho rằng Malaysia không thể phụ thuộc một cách bị động vào các chính sách của Fed. Nếu Mỹ tiếp tục còn nguy cơ lạm phát, rất khó để xác định khi nào Fed sẽ ngừng tăng lãi suất hoặc cắt giảm lãi suất. Theo ông Shankaran Nambiar, nếu Fed cắt giảm lãi suất thì sẽ giúp đồng ringgit tăng giá.

Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Muamalat Malaysia,ông Afzanizam Rashid đã đưa ra triển vọng lạc quan hơn, trong đó cho rằng việc Fed cắt giảm lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông cho rằng lãi suất ở Mỹ đã ở mức quá cao trong thời gian dài, các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Mỹ đang cảm nhận được sức ép lớn từ việc duy trì mức lãi suất cao. Chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ chiếm 70% nền kinh tế và việc ngừng chi tiêu đột ngột có thể khiến nền kinh tế Mỹ phải chịu hậu quả nặng nề.

Malaysia cần tiếp tục củng cố niềm tin

Ông Afzanizam cho rằng, việc đồng ringgit tăng giá có thể coi là dấu hiệu của việc Malaysia đã tạo dựng được niềm tin đối với các doanh nghiệp quốc tế. Chính phủ Malaysia đã có nhiều biện pháp củng cố tài chính như tăng thuế, giảm trợ cấp. Điều này sẽ giúp chính phủ phân bổ lại nguồn lực để tập trung vào các lĩnh vực giúp cải thiện năng suất của đất nước trong dài hạn. Điều này có thể bao gồm việc chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.

Ngày 22/5 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố chính phủ sẽ cắt giảm trợ cấp dầu diesel, qua đó dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng 4 tỷ RM (847,8 triệu USD) mỗi năm. Ngoài ra, chính phủ cũng có kế hoạch cắt giảm trợ cấp xăng dầu trong giai đoạn tiếp theo. Theo ông Lee, khi chính phủ đã củng cố được vị thế tài chính, các cơ quan xếp hạng tín dụng sẽ xem xét lại triển vọng đầu tư của Malaysia, qua đó giúp đất nước trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Trong khi đó, ông Afzanizam chia sẻ, chính phủ đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền các bang để mở rộng nhiều hoạt động kinh tế hơn, đặc biệt là Đặc khu kinh tế Johor - Singapore. Điều này sẽ giúp nhiều dự án cơ sở hạ tầng được xây dựng hơn và tạo ra hiệu ứng cấp số nhân đối với nền kinh tế. Về cơ bản điều này sẽ giúp thu hút nguồn vốn đầu tư vào Malaysia.

Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) ước tính, riêng việc chuyển đổi thu nhập tiềm năng hàng năm là từ 6 – 7 tỷ USD, đủ để bù đắp dòng vốn ròng âm của Malaysia trong năm 2023. Theo ông Adnan, ngân hàng BNM đang xem xét đưa ra các biện pháp khuyến khích các tập đoàn, các doanh nghiệp mang lại số dư ngoại tệ, bao gồm cả các sáng kiến thí điểm cho phép các công ty này tái đầu tư ra nước ngoài.

Tiến sĩ Nambiar cho rằng, mặc dù đồng ringgit yếu đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Malaysia, khiến giá thành trở nên cạnh tranh hơn, song điều quan trọng là các doanh nghiệp mong muốn đồng ringgit ổn định.

Theo ngân hàng BNM, hoạt động kinh tế của Malaysia đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong quý đầu tiên của năm 2024, do chi tiêu tiêu dùng ổn định và có nhiều tính hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu.

Tiến sĩ Nambiar dự đoán, lượng khách du lịch trong tháng 6 từ các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ làm tăng nhu cầu đối với đồng ringgit. Bên cạnh đó, ông cũng kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của Malaysia sẽ tiếp tục được củng cố hơn nữa trong nửa cuối năm nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục