Đồng ruble Nga: Mặt trái của sự phục hồi “thần kỳ”

05:30' - 21/04/2022
BNEWS Việc đồng ruble của Nga hồi phục từ mức thấp kỷ lục giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn không nên bị nhầm lẫn là dấu hiệu của sức mạnh hay khả năng phục hồi của kinh tế Nga.

Bài viết trên trang Project Syndicate nhận định việc đồng ruble của Nga hồi phục từ mức thấp kỷ lục giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn không nên bị nhầm lẫn là một dấu hiệu của sức mạnh hay khả năng phục hồi của nền kinh tế “xứ Bạch Dương”.

Trong bài phân tích của mình, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Sergei Guriev nhận định đồng nội tệ của Nga dường như đang được hưởng lợi từ một số yếu tố.

Tuy nhiên, điều đáng nói là những yếu tố này cuối cùng sẽ trở thành lực cản chính đối với cả ngân sách liên bang và nền kinh tế thực của Nga.

Tỷ giá không phản ánh giá trị thật

Sau khi giảm mạnh trước sự kiện Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, đồng ruble đã tăng trở lại, lên gần mức trước khi sự kiện này diễn ra. Tuy nhiên, đây là không phải là tín hiệu tích cực đối với Nga, bởi vì những yếu tố đang thúc đẩy sự phục hồi của đồng ruble nhiều khả năng sẽ tạo ra thêm thêm vấn đề cho hoạt động của nền kinh tế nước này.

Phương Tây đã thể hiện sự thống nhất và quyết tâm gần như chưa từng có trong vấn đề trừng phạt Nga và Tổng thống Vladimir Putin liên quan đến vấn đề Ukraine. Chỉ trong vòng ba ngày sau khi xung đột nổ ra, chính phủ các nước phương Tây đã đóng băng phần lớn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga (BoR) trong phạm vi quyền hạn tương ứng của họ.

Động thái này đã gây ra sự hoảng loạn tài chính bên trong nước Nga và buộc chính phủ phải phản ứng chính sách mạnh mẽ. Vào ngày 28/2, BoR đã áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt, đồng thời siết chặt các hạn chế giao dịch tiền tệ và tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%.

Chính phủ Nga sau đó đã lệnh cho tất cả các nhà xuất khẩu Nga hồi hương và đổi 80% doanh thu xuất khẩu sang đồng ruble. BoR cũng đưa ra khoản hoa hồng 30% (sau đó giảm xuống còn 12%) đối với các giao dịch mua ngoại tệ. Nhiều đối tượng đã bị cấm mua USD và những người nắm giữ tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ phải đối mặt với những trở ngại lớn khi rút tiền tiết kiệm.

Tuy nhiên, bất chấp những phản ứng chính sách nhanh chóng này, tỷ giá hối đoái chính thức của đồng ruble đã giảm mạnh từ 81 ruble đổi 1 USD trong thời điểm trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, xuống 139 ruble đổi 1 USD vào ngày 9/3. Tỷ giá thị trường chợ đen được cho là cao hơn nhiều.

Tại Nga, lạm phát cơ bản tăng nhanh, với tốc độ tăng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chính thức là 2% mỗi tuần (tương đương 181% theo năm) trong ba tuần đầu tiên sau khi căng thẳng bùng phát, trước khi chậm lại còn 1% mỗi tuần (68% mỗi năm).

Đồng ruble sau đó đã dao động trở lại trong phạm vi 80 ruble đổi 1 USD. Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là điều đáng mừng. Nguyên nhân là do nếu việc giao dịch của một loại tiền tệ bị hạn chế nghiêm trọng (như đồng ruble hiện nay), tỷ giá hối đoái của đồng tiền đó sẽ không phản ánh giá trị thật trên thị trường.

Sự phục hồi không bền vững

Đã có những dấu hiệu hữu hình cho thấy áp lực lên đồng ruble đang hạ nhiệt. Cuối tuần trước, BoR đã loại bỏ khoản phí lên tới 12% khi mua USD, đồng thời nới lỏng một số hạn chế nhất định đối với các khoản tiền gửi và quan trọng nhất là cắt giảm lãi suất chính sách từ 20% xuống 17%, báo hiệu sẽ tiếp tục nới lỏng hơn nữa.

Những hành động này có ý nghĩa lớn hơn bất kỳ tuyên bố chính thức nào về sức mạnh của kinh tế Nga. Mặc dù vậy, dự báo tăng trưởng của Nga trong năm nay vẫn ảm đạm. Theo ngân hàng trung ương, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 8% trong năm 2022, so với mức tăng trưởng 2,4% được đưa ra trước khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát. 

Nghiêm trọng hơn, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 15%, trong khi Ngân hàng EBRD và hầu hết các ngân hàng đầu tư quốc tế đều dự báo kinh tế Nga sẽ suy thoái 10%. Sự tăng giá gần đây của đồng ruble không làm đảo ngược những quan điểm bi quan này, bởi vì sự phục hồi của tỷ giá hối đoái chỉ đơn thuần phản ánh những hạn chế chưa từng có đối với hoạt động nhập khẩu và môi trường giá dầu, giá khí đốt cao hơn.

Các chính phủ phương Tây đã áp đặt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Nga, được củng cố thêm bởi làn sóng tẩy chay của khu vực tư nhân với hơn 600 công ty phương Tây đã công bố quyết định rút khỏi Nga.

Điều này khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp Nga mất đi khả năng tiếp cận với nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu và nguyên liệu đầu vào trung gian trong nước, trong khi việc đóng cửa không phận và làn sóng tẩy chay của các hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing cũng như các hãng bảo hiểm và công ty cho thuê lớn đã khiến người Nga không thể di chuyển đến phương Tây.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng những hạn chế này đã làm giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu của Nga, từ đó hạ thấp nhu cầu đối với đồng USD, vốn là cần thiết để mua hàng hóa đó. Kết quả là tỷ giá đồng ruble tăng lên. Tuy nhiên, đây lại không phải là tin tốt cho kinh tế Nga, vốn đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Cũng giống như đại dịch COVID-19 đã buộc các công ty trên khắp thế giới nhận thức về sự phụ thuộc của họ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến các doanh nghiệp Nga nhận ra rằng họ không thể hoạt động nếu không có hàng nhập khẩu.

Ngay cả những công ty có nguồn cung trong nước cũng nhận ra rằng các nhà cung cấp của họ phụ thuộc vào nhập khẩu từ phương Tây. Đó là lý do tại sao ngành công nghiệp ô tô của Nga phải dừng lại, với doanh số bán hàng trong tháng 3/2022 đã giảm xuống chỉ còn 1/3 so với mức được ghi nhận vào tháng 3/2021.

Hơn nữa, nhu cầu sử dụng đồng USD cũng giảm do các biện pháp trừng phạt tài chính về cơ bản đã cấm Nga sử dụng USD, thậm chí việc trả nợ bằng đồng bạc xanh của Nga cũng bị hạn chế. Các biện pháp này đã dẫn đến nguy cơ Nga rơi vào vỡ nợ kỹ thuật. Yếu tố tiếp theo thúc đẩy đồng ruble tăng giá là giá dầu cao trở lại mức của năm 2014. Vào năm này, đồng ruble được giao dịch ở mức 38 ruble đổi lấy 1 USD. Ngày nay, tỷ giá là 52 ruble đổi lấy 1 USD (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát ở cả Nga và Mỹ).

Do đó, diễn biến giá dầu hiện nay được kỳ vọng sẽ khiến đồng ruble tăng giá hơn nữa. Điều này đã làm mờ đi thực tế là những rủi ro địa chính trị và sự thất thoát vốn đã khiến đồng ruble suy yếu nghiêm trọng. 

Sự tăng giá của đồng ruble cho thấy cán cân thanh toán của Nga được hỗ trợ mạnh mẽ bởi môi trường giá dầu hiện tại, có nghĩa là rằng hiệu suất tài chính cũng đang được duy trì tốt. Trong khi các lệnh trừng phạt ban đầu đã làm đóng băng phần lớn lượng tiền mặt của Tổng thống Putin, song môi trường giá dầu cao đã đảm bảo sự luân chuyển dòng tiền mỗi ngày.

Tuy nhiên, điều này lại có thể trở thành một vấn đề đối với Tổng thống Vladimir Putin. Như Đại diện Cấp cao về Đối ngoại và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell gần đây đã chỉ ra, việc EU mua nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giúp kho bạc của nước này tăng thêm 35 tỷ euro (khoảng 38 tỷ USD) kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua. Số tiền này đã làm “lu mờ” khoản hỗ trợ quân sự trị giá 1 tỷ euro mà EU dành cho Ukraine.

Kết quả là tại châu Âu đã xuất hiện sự ủng hộ ngày càng tăng đối với việc ban hành lệnh cấm vận dầu khí của Nga. Trên thực tế, người châu Âu khi nói về cấm vận, giờ đây họ không nói về “nếu”, mà họ nói về “khi nào”. Nếu EU quyết định ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga trên toàn bộ lãnh thổ, hậu quả sẽ là thảm khốc đối với ngân sách liên bang của Nga, khiến sự phục hồi gần đây của đồng ruble trở nên không bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục