Đồng ruble Nga tăng giá mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2024

16:01' - 02/07/2024
BNEWS Theo Ngân hàng Trinity (Cộng hòa Czech), trong số tất cả các loại tiền tệ chính trên thế giới, đồng ruble của Nga tăng giá mạnh nhất trong nửa đầu năm 2024.

Cụ thể, so với đồng USD, đồng ruble tăng giá mạnh nhất với mức 4,3%. Trong khi đó, hầu hết các đồng tiền khác đều suy yếu, như đồng euro mất 2,95%, đồng franc Thụy Sỹ (CHF) mất 6,39%, còn đồng koruna (CZK) của Czech mất 4,28%. So với đồng ruble, đồng euro giảm 7%, đồng CHF giảm 10,3% còn đồng CZK giảm 8,3%.

Theo Trinity, lí do chính khiến đồng ruble mạnh lên là do điều kiện tài chính tiếp tục bị thắt chặt ở Nga. Ngân hàng trung ương Nga (CBR) duy trì lãi suất cơ bản ở mức tương đối cao là 16% và có thể sẽ phải điều chỉnh lại, sớm nhất trong tháng 7 này, do áp lực lạm phát ngày càng lớn.

 

Trinity dự báo năm 2024 nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 3,4%, sau mức tăng 3,5% của năm 2023. Tuy nhiên, trong năm 2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga sẽ chậm lại còn 1,1%.

2024 là năm thứ tư liên tiếp Nga vẫn ở cách xa mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% do CBR đặt ra. Riêng trong tháng 5, lạm phát của Nga đã vượt 10%. Ngoài lí do nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của tình hình xung đột và tình trạng thiếu lao động, các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát của Nga cao còn do tâm lí lo ngại năm nay mất mùa do thời tiết mùa Xuân quá lạnh.

Tại cuộc họp vào tháng 7 này, CBR có thể buộc phải tăng lãi suất cơ bản lên 17%, thậm chí 18%. Đây là thời điểm nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, bao gồm cả các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, đã giảm lãi suất hoặc phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm nay.

Các điều kiện tài chính eo hẹp, sẽ còn thắt chặt hơn nữa trong tương lai, sẽ hạn chế nhu cầu nhập khẩu của Nga. Nhu cầu nhập khẩu yếu cũng giúp đồng ruble mạnh lên, cũng như mức lãi suất cao nêu trên đối với đồng ruble, cũng khiến đồng tiền này trở thành một phương tiện đầu tư hấp dẫn.

Do đó, trong năm 2024, đồng ruble là một trong số ít đồng tiền tăng giá so với đồng USD trong nửa đầu năm, trong bối cảnh bản thân đồng USD cũng cho thấy mức độ tương đối mạnh do việc hoãn bắt đầu giảm lãi suất cơ bản theo chỉ đạo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Cho đến thời điểm này, Fed vẫn chưa hạ lãi suất chủ chốt dù chỉ một lần, mặc dù theo giả định hồi đầu năm, Fed lẽ ra phải hạ lãi suất 6 lần. Hiện thị trường đang giả định tối đa hai lần giảm, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, trong nửa cuối năm nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục