Đồng Tháp kiến nghị không tăng công suất khai thác cát phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

13:11' - 15/06/2024
BNEWS Nhằm đảm bảo tiến độ thi công Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, các nhà thầu đề nghị điều chỉnh nâng công suất khai thác cát đối với những mỏ cát trên sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tuy nhiên, trước tình hình tốc độ bồi lắng dòng sông rất chậm; sạt lở bờ sông đã và đang diễn ra, cùng một số nguyên nhân khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp đã kiến nghị UBND tỉnh không tăng công suất khai thác mỏ cát phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

 

UBND tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao 7 mỏ cát cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với tổng trữ lượng khoảng 5,7 triệu m3; trong đó có 6 mỏ cát trên sông Tiền và 1 mỏ cát trên sông Hậu. Đến nay, 7/7 dự án khai thác cát thực hiện đầy đủ những nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt và tiến hành khai thác.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, có 5 nhà thầu nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nâng công suất khai thác cát đối với 5 mỏ cát trên sông Tiền, thuộc các địa phương: Xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Tổng Công ty xây dựng số 1); xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn); xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam); xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh); thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Công ty Cổ phần Hải Đăng).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, sau khi rà soát, kiểm tra yêu cầu của các nhà thầu, đơn vị cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông vận tải); những sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố và nhà thầu họp xem xét nâng công suất cho các dự án. Qua cuộc họp, các đơn vị, địa phương không thống nhất việc tăng công suất đối với 3 dự án thuộc các xã Tân Mỹ, Tân Khánh Trung của huyện Lấp Vò được giao cho các công ty Tân Nam, Hoàng Anh, Trường Sơn.

Nguyên nhân là do 3 dự án nêu trên nằm liền kề nhưng chỉ chạy mô hình thủy lực (dùng tính toán độ ổn định lòng sông và đường bờ) riêng lẻ cho từng dự án, không chạy mô hình thủy lực chung cho cả khu vực 3 dự án nên chưa đủ cơ sở đánh giá toàn diện ảnh hưởng của việc tăng công suất đến lòng bờ, bãi sông cả khu vực. Đồng thời, thời gian chạy mô hình thủy lực khoảng 1 - 2 tháng sau mới có kết quả chính xác. Khi có kết quả chạy mô hình sẽ quá thời hạn để nâng công suất theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Bên cạnh đó, đường bờ thuộc xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò) đã xảy ra hiện tượng sạt lở vào năm 2017. Thời gian gần đây, tiếp tục xảy ra sạt lở khu vực cồn Ông, thuộc xã Tân Khánh Trung, lân cận khu vực khai thác của Công ty Hoàng Anh. Do đó, các ngành và địa phương không thống nhất việc nâng công suất khai thác cát đối với 3 dự án nói trên.

Đối với 2 dự án thuộc xã Phú Thuận B và thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự được giao cho Công ty xây dựng số 1 và Công ty Hải Đăng, các đơn vị liên quan cho rằng, có thể xem xét tăng công suất khai thác khi đủ điều kiện và cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh mô hình thủy lực những nội dung chính như: số liệu đầu vào (địa hình, bùn cát, kiểm định) hầu hết các báo cáo còn thiếu nguồn thu thập, số liệu cũ hoặc cung cấp chưa rõ ràng; chưa khai báo kịch bản tăng công suất khai thác cát… Tuy nhiên, hai Công ty trên vẫn chưa hoàn thành việc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung mô hình thủy lực.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Hồ Thanh Phương, từ các lý do nêu trên, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh không xem xét tăng công suất khai thác đối với những dự án khai thác cát theo cơ chế đặc thù cung ứng cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Các đơn vị tiếp tục khai thác cát theo phương án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong điều kiện hiện nay, tốc độ bồi lắng dòng sông rất chậm, gia tăng nhiều rủi ro và gây áp lực rất lớn đến việc thay đổi dòng chảy, địa hình đáy sông; đồng thời, biến đổi lòng sông Tiền diễn biến rất phức tạp, khó dự báo, tính toán chính xác ảnh hưởng do tăng công suất khai thác cát đến 2 bên bờ sông khu vực khai thác, có nguy cơ sạt lở rất cao đối với 2 bên bờ sông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục