Dự báo thị trường "ấm lên", nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn

16:58' - 01/10/2023
BNEWS Trước nhận định của chuyên gia về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản cuối năm 2023, đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã có động thái huy động vốn thông qua cả kênh trái phiếu và cổ phiếu.

Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu BCMH2328001, với giá trị 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, vào ngày 20/9/2023. Và ngày đáo hạn của lô trái phiếu này là ngày 5/7/2028.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2023, với tổng giá trị tối đa 760 tỷ đồng.

Động thái này của doanh nghiệp được cho là cụ thể hóa mục tiêu đã đề ra tại Đại hội cổ đông năm nay khi muốn đầu tư mở rộng thị trường đầu tư ra nhiều tỉnh thành, phát triển nhà ở xã hội, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới, phát triển đô thị - dịch vụ và hạ tầng giao thông, với số vốn lên tới 30 nghìn tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ mới hơn 10 nghìn tỷ đồng.

 

Trước đó, dữ liệu thị trường ghi nhận, chỉ trong tháng 8 có 9 đợt phát hành của 7 doanh nghiệp bất động sản, với tổng giá trị phát hành gần 23.000 tỷ đồng. Trong số đó, lãi suất cao nhất là 14% của Công ty Đầu tư Nhà ở xã hội Thuận Thành và Công ty Đầu tư kinh doạnh Bất động sản Liên Lập; lãi suất thấp nhất của Coogn ty Capitaland Tower là 1%.

Bên cạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua thị trường cổ phiếu.

Như Công ty Hưng Thịnh Incons vừa thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến triển khai ngay trong quý IV/2023, hoặc sau khi được Ủy ban Chứng khoán cấp giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định.

Theo đó, Hưng Thịnh Incons dự kiến phát hành 89,12 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công số cổ phiếu này, Hưng Thịnh Inconssẽ tăng vốn điều lệ từ 891,16 tỷ đồng lên 1.782,33 tỷ đồng.

Trong số tiền dự kiến thu được hơn 891 tỷ đồng, doanh nghiệp dự định dùng 400 tỷ đồng nhận chuyển nhượng một phần của dự án Khu thương mại Amata tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; 34,37 tỷ đồng nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu của Công ty Đầu tư thương mại Kim Lan và gần 456,8 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho hoạt động thi công xây dựng công trình của công ty tại các dự án.

Trước đó, tại Diễn đàn Bất động sản mùa thu lần thứ nhất với chủ đề "Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư" mới đây, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính nhận định: "Từ quý III năm nay đã có nhiều tín hiệu mừng, tất nhiên so với thời điểm 2018 - 2019 thì vẫn còn xa, chỉ là con số vài nghìn so với vài chục nghìn lượt giao dịch trong quá khứ. Nhưng trong thời điểm khó khăn này, vài nghìn đã là một con số đáng khích lệ, có nhiều tín hiệu đáng mừng để tạo động lực cho quý IV/2023 và quý I/2024, chúng tôi hy vọng có nhiều khởi sắc khi các chính sách tháo gỡ khó khăn có tác động tốt với thị trường". 

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản có những động lực để phục hồi. Đó là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ban, ngành; thị trường bất động sản đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở các phân khúc, đặc biệt với nhà ở cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường.

Báo cáo nghiên cứu“Thị trường bất động sản Việt Nam – Hành trình “vượt bão” và động lực phục hồi” của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đánh giá, đến thời điểm tháng 9/2023, những điểm sáng tích cực trên thị trường đã dần xuất hiện. Tâm lý của các nhà đầu tư có dấu hiệu khôi phục tốt hơn giai đoạn trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục