Dư địa lớn cho nông nghiệp áp dụng công nghệ cao

15:04' - 21/08/2018
BNEWS Dư địa để áp dụng công nghệ vào nông nghiệp là rất lớn. Việt Nam có thể tận dụng, nghiên cứu và đẩy mạnh hơn nữa khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.
Phát triển nông nghiệp thông minh: Dư địa lớn cho công nghệ. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 21/8, tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, dư địa để áp dụng công nghệ vào nông nghiệp là rất lớn.

Việt Nam có thể tận dụng, nghiên cứu và đẩy mạnh hơn nữa khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.
*Nghịch lý trong ngành nông nghiệp
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện tài nguyên đã đến giới hạn, buộc chúng ta chuyển sang sử dụng khoa học công nghệ nhiều hơn. Trong thời gian gần đây, đóng góp của khoa học công nghệ vào nông nghiệp đạt khoảng 30%, nhiều cố gắng, nghiên cứu mới trong giống lúa, chăn nuôi, trái cây...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thừa nhận, so với các quốc gia khác, đóng góp của khoa học công nghệ vào nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Trung Quốc đạt khoảng 70-80%, Thái Lan 60%, nên vẫn còn có nhiều dư địa đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp.
Một trong những điều đáng quan tâm nhất là đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành xuất khẩu gần 40 tỷ USD, đứng thứ 16 về xuất khẩu nông sản.

Trong khi đó, đầu tư cho khoa học công nghệ vào nông nghiêp so với GDP chỉ chiếm 0,2%. Các nước xung quanh trung bình là 0,4%, có nước đã đến 1 – 2% như Thái Lan, Malaysia.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Đại học California Davis, Hoa Kỳ, có một nghịch lý là chúng ta luôn muốn có nông sản rẻ với chất lượng cao, trong khi phần lớn hợp tác xã, doanh nghiệp gánh đủ thứ chi phí, khả năng tiếp cận tín dụng thấp và gần như phải tự đi tìm giải pháp.
“Việc nông dân tự chế tạo thành công máy gặt, máy gieo hạt... thường được đưa như một sự thất bại của giới khoa học, nhưng bản chất lại cho thấy sự đứt gãy trong các mối quan hệ liên kết giữa chuyên gia từ bộ nông nghiệp, trường đại học và doanh nghiệp; nền nông nghiệp sẽ không có yếu tố chất xám và không thể phát triển bền vững”, ông Nguyễn Hoàng nói.
Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng, ở các nước phát triển, doanh nghiệp chung tay đầu tư vào các công trình khoa học...

Về lâu dài, đại diện các doanh nghiệp và hợp tác xã cần được phép tham gia vào các quỹ đầu tư nghiên cứu, các quy trình xét duyệt, hệ thống đào tạo nhân lực... để có sự gắn kết các mắt xích trong hệ sinh thái nông nghiệp thông minh.
Bên cạnh đó, thiếu khoa học công nghệ đồng nghĩa với rủi ro lớn cho cả nền nông nghiệp. Ở các nước, việc lưu trữ phát triển công nghệ nghiệp được đảm trách bởi 3 bộ phận: trường đại học, các trung tâm của bộ nông nghiệp và bản thân doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là nơi có hệ thống quản lý thông tin tốt nhất vì họ có kinh nghiệm chuyên sâu và hiểu rõ lĩnh vực kinh doanh.
*Tạo cầu nối liên kết
Rõ ràng, để phát triển nông nghiệp thông minh một cách bền vững, sự nỗ lực của từng cá thể đơn lẻ sẽ chỉ như “muối bỏ bể”. Do vậy, cần phải có nhiều hội đồng, cơ quan liên ngành để giải quyết, dự báo và phản ứng nhanh với diễn biến thị trường, liên kết các viện và trường đại học, doanh nghiệp để cung cấp chất xám.
Ông Nguyễn Hoàng cho rằng, các dự án liên ngành này chỉ có thể thực hiện được khi có sự phối hợp chặt giữa nhiều bộ như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ... và các cơ quan thu thập thông tin nước ngoài.

Lực lượng khuyến nông, chính quyền địa phương và doanh nghiệp sẽ tham khảo thông tin này để triển khai tổ chức sản xuất và phân phối.
Chính phủ có thể cho phép doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế tham gia vào quá trình thẩm định, tuyển chọn đề tài, dự án để tăng tính thực thế cho sản phẩm nghiên cứu.

Cùng với đó, các thành phần như nhà lai tạo giống, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất phải được liên kết, thiết để tương tác có hiệu quả với nhau.
Các diễn giả tại hội thảo cho hay, cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá là tiềm năng tốt để mời các chuyên gia người Việt ở nước ngoài về tham gia, đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động hơn nữa hình thành quan hệ đối tác công nghệ với các đối tác sở hữu công nghệ nguồn và đang dẫn dắt khoa học công nghệ 4.0 như Mỹ, Đức,... nhằm tranh thủ tiếp cận công nghệ mới, thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ...
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, thứ nhất, qua internet, có thể trao đổi thông tin dễ dàng, một loạt công nghệ mới ở các nước như giống, sinh học, nano để chăm sóc cây trồng vật nuôi.

Công nghệ mà Việt Nam đang rất yếu và thiếu là công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến...
Thứ hai là mô hình phát triển, Việt Nam có thể tham khảo thông qua liên kết với nước ngoài như mô hình nông nghiệp hiện đại, hệ sinh thái nông nghiệp để định dạng nền nông nghiệp thông minh...
"Chúng ta mới manh nha phát triển nông nghiệp thông minh, nhưng chưa biết làm từ đâu, bao nhiêu người là đủ, cơ chế phối hợp nhà nước – tư nhân, doanh nghiệp với các trường, viện nghiên cứu... Ngoài ra, các viện nghiên cứu, trường đại học cũng cần xây dựng kênh thông tin quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình để kết nối, liên kết nhà khoa học gần hơn với doanh nghiệp...", ông Tuấn nói/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục