Dư luận quốc tế sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

15:44' - 19/07/2023
BNEWS Sau khi Nga quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại về những tác động của động thái này đối với tình hình an ninh lương thực trên toàn cầu.

Một bài phân tích đăng trên trang web của tờ Neue Zürcher Zeitung (Thụy Sỹ) cho rằng nước mua ngũ cốc của Ukraine nhiều nhất trong khuôn khổ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận này.

 

Trung Quốc vẫn chưa thể đảm bảo lương thực cho người dân của mình và buộc phải nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài. Trước xung đột Nga-Ukraine, Ukraine là nhà cung cấp ngô lớn thứ hai sau Mỹ. Nhưng vì cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Quốc buộc phải tăng mua hàng từ Mỹ với giá đắt hơn đáng kể. Giờ đây giá thực phẩm ở Trung Quốc có khả năng sẽ tăng lên.

Liên minh châu Phi (AU) cũng bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định của Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. 

Trong một phát biểu đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat nói rằng: "Tôi lấy làm tiếc về việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà AU đã ủng hộ ngay từ đầu. Tôi kêu gọi các bên giải quyết mọi vấn đề để nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc và phân bón một cách an toàn từ Ukraine và Nga đến những nơi cần chúng, đặc biệt là ở châu Phi".

Những người dân dễ bị tổn thương ở các quốc gia nhập khẩu ngũ cốc đang phải phụ thuộc vào nguồn cung ngũ cốc nói trên. Các tổ chức nhân đạo cho biết điều này sẽ được cảm nhận sâu sắc ở nhiều khu vực của châu Phi, châu lục phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine.

Hiện hàng triệu người ở châu Phi đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng. Giá ngũ cốc ở lục địa nghèo nhất thế giới đã tăng mạnh, trong bối cảnh nguồn cung ngũ cốc giảm sút, làm trầm trọng thêm tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và biến đổi khí hậu.

Đồng quan điểm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã mắc sai lầm khi rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo châu Âu, Mỹ Latinh và Caribe, Tổng thống Macron chia sẻ: “Tôi đang nghĩ đến các quốc gia Trung Đông, châu Phi và thậm chí cả châu Á phụ thuộc rất nhiều vào thỏa thuận này, những nước sẽ gánh chịu ảnh hưởng từ quyết định đơn phương của Nga”.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng nhấn mạnh việc Nga quyết định rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ không thể gây bất ổn cho thị trường nông sản Ba Lan.

Phát biểu họp báo cùng ngày sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (EU-CELAC) tại Brussels, Thủ tướng Morawiecki cho biết Ba Lan sẽ hỗ trợ EU trong việc quá cảnh ngũ cốc của Ukraine qua lãnh thổ Ba Lan.

Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power mới đây đã cam kết tài trợ 250 triệu USD để giúp nông dân Ukraine gặp khó khăn do các chuyến hàng ngũ cốc bị chặn ở Biển Đen kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Phát biểu tại cảng Odessa, bà Power cho biết khoản đầu tư thông qua sáng kiến của USAID sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp của Ukraine, nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng nông nghiệp và mở rộng các tuyến xuất khẩu khác.

Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov, bà Power nói: “Chúng ta có lợi ích chung trong việc đảm bảo rằng nông dân Ukraine tiếp tục làm việc”. Bà cũng kêu gọi các chính phủ khác và khu vực tư nhân bổ sung khoản đầu tư 250 triệu USD của Mỹ để giúp nông dân Ukraine và thúc đẩy nền kinh tế Ukraine trong dài hạn./.             

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục