Dự thảo ngân sách 2023 sửa đổi của Malaysia - “kẻ được, người mất”

05:30' - 05/03/2023
BNEWS Ngân sách năm 2023 được điều chỉnh lên tới 388,1 tỷ RM (86,72 tỷ USD) so với 372,3 tỷ RM của chính phủ tiền nhiệm. Đây là khoản ngân sách trình quốc hội lớn nhất trong lịch sử Malaysia.
Dư luận Malaysia hết sức quan tâm đến phiên họp Quốc hội chiều ngày 24/2. Tại phiên họp, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã trình bày bản Dự thảo Ngân sách sửa đổi năm 2023 sau khi Bản dự thảo của chính phủ tiền nhiệm chưa kịp thông qua do Quốc hội giải tán, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng 10/2022.
Ngân sách năm 2023 được điều chỉnh lên tới 388,1 tỷ RM (86,72 tỷ USD) so với 372,3 tỷ RM của chính phủ tiền nhiệm. Đây là khoản ngân sách trình quốc hội lớn nhất trong lịch sử Malaysia khi chính phủ tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ để định hướng nền kinh tế. Theo đó, 74,8% ngân sách sẽ được sử dụng cho chi tiêu hoạt động và 25,2% còn lại dành cho chi tiêu phát triển. Ngân sách 2023 sẽ dành nhiều ưu đãi hơn cho người nghèo và điều chỉnh các mức thuế nhắm vào người giàu với nỗ lực bù đắp lạm phát tăng cao. Ai sẽ được lợi và sẽ bị thiệt hại?
* “Kẻ được” - tầng lớp người nghèo nhất
Với cam kết “chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực”, chính phủ đang phân bổ 750 triệu RM (169 triệu USD) để nâng cao tay nghề cho người lao động theo một chương trình thí điểm có tên gọi “Sáng kiến thu nhập của người dân” và sẽ tập trung đầu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli cho biết, Malaysia có lợi thế về địa lý, khí hậu và khả năng tiếp cận hoàn hảo để hỗ trợ ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển. Chính phủ cũng công bố khoản hỗ trợ tiền mặt trực tiếp với tổng trị giá 2,5 tỷ RM cho hơn 400.000 người được nhận.
* Các doanh nghiệp nhỏ
Với sự gia tăng của lao động tự do, đặc biệt là trong lĩnh vực giao đồ ăn, chính phủ đã phân bổ 330 triệu RM cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với 10 triệu RM dành cho các gia đình nghèo để bắt đầu kinh doanh giao hàng bằng xe máy. Theo thống kê của chính phủ, gần 98% lao động tự do trong các lĩnh vực này là người trẻ tuổi.
Chính phủ cho biết họ sẽ thanh toán học phí cho những người đủ điều kiện để lấy bằng lái xe mô tô, cũng như chứng chỉ xe buýt, taxi và xe công nghệ. Đây là khoản vay và hỗ trợ trị giá 40 tỷ RM theo nhiều chương trình khác nhau dành cho lĩnh vực này.
* Tầng lớp thu nhập trung bình
2,4 triệu người có thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi khi chính phủ cắt giảm tới 2% thuế thu nhập cho những người lao động có thu nhập từ 35.000-100.000 RM hàng năm. Động thái này sẽ khiến chính phủ giảm 900 triệu RM nguồn thu thuế nhưng đổi lại những người lao động trong diện này sẽ được nhận thêm 1.300 RM hàng năm cho những người đủ điều kiện.
* Nợ quốc gia
Nợ quốc gia và các khoản nợ phải trả của Malaysia, với quy mô hiện tại là 1.500 tỷ RM (338 tỷ USD) hay 81% GDP của nước này có lẽ là sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi Thủ tướng tập trung vào việc tăng doanh thu để giảm bớt gánh nặng nợ nần. 
So sánh con số này với các khoản nợ trước đây, vốn bị phát sinh để đầu tư vào phát triển đất nước, Thủ tướng Anwar mô tả chi phí cho việc trả các khoản vay này - bao gồm cả chi phí cho vụ bê bối tham nhũng 1MDB - là "sự phản bội" đối với thế hệ trẻ của Malaysia.
Chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán Malaysia Abdul Wahid Omar đã bày tỏ sự hài lòng với kế hoạch ngân sách, cho biết bước đầu tiên hướng tới cải cách là “thừa nhận rằng chúng ta có vấn đề”.
* “Người mất” – tầng lớp người giàu ở Malaysia
Ông Anwar cho biết, ông muốn thực hiện chính sách áp đặt mức thuế cao hơn đối với những người có thu nhập từ 100.000-1 triệu RM hàng năm, nhóm này sẽ phải trả thêm 2% thuế thu nhập.
Mô tả đây là một động thái tiến bộ, ông Anwar cho rằng chưa đến 150.000 người nộp thuế sẽ cảm thấy gánh nặng của mức tăng thuế này. Tuyên bố này đã được đón nhận tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội của Malaysia. Tuy nhiên, những người phải đóng thuế nói rằng "đối xử với những người kiếm được 100.000 RM giống như những người kiếm được 1 triệu RM là vô lý".
* Người mua và nhà đầu tư cao cấp
Bên cạnh quyết định áp thêm thuế đánh vào thu nhập của giới nhà giàu có thu nhập cao, những người có thu nhập cao nhất cũng phải đối mặt với một khoản phí mới. Chính phủ Malaysia đề xuất áp dụng “thuế xa xỉ” đối với các mặt hàng như đồng hồ, hàng hiệu và “những hàng hóa xa xỉ khác”.
* Thuốc lá điện tử
Lĩnh vực thuốc lá điện tử vốn không được kiểm soát của Malaysia sẽ chứng kiến đợt tăng giá tới đây khi chính phủ đặt mục tiêu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành công nghiệp có trị giá 2 tỷ RM này. 
Số tiền thu được từ lĩnh vực này, cùng với một nửa trong số 11,97 tỷ RM dự kiến thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ được dùng để cải thiện chất lượng của ngành y tế công cộng, vốn đang phải vật lộn với việc thiếu kinh phí để thuê thêm bác sĩ và cải thiện chất lượng dịch vụ. Động thái này dường như được công chúng ủng hộ với một số người nói rằng "điều này nên được áp dụng từ khi lĩnh vực này mới xuất hiện”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục