Đưa dự án về đích

08:24' - 01/10/2021
BNEWS Năm 2021 Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nguồn vốn đầu tư công gần 43.000 tỷ đồng để hoàn thành 24 dự án và khởi công 19 dự án.

Là bộ có nguồn vốn đầu tư công lớn nhất trong các bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến mọi lĩnh vực, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để đưa các dự án về đích. Qua đó nguồn vốn sẽ góp phần kích cầu nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả”.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, năm 2021 Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nguồn vốn đầu tư công gần 43.000 tỷ đồng để hoàn thành 24 dự án và khởi công 19 dự án.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai một số dự án, công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách...
Ngoài ra, ngành cũng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; triển khai các dự án như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2)...
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ trong năm 2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết mốc tiến độ của từng dự án, đồng thời Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình...
Thực tế, qua các năm trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đạt lần lượt từ trên 82% đến trên 88%. Riêng năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất trong kỳ trung hạn với trên 95%. Đây chính là kinh nghiệm và cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đặt mục tiêu năm 2021 phấn đấu ở “top đầu” các bộ thực hiện tốt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư tại buổi giao ban công tác quý III và 9 tháng năm 2021 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phân bổ chi tiết hơn 42.972 tỷ đồng, đạt 99,94% kế hoạch năm 2021 được giao.

Dự kiến hết quý III/2021, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước giải ngân được 24.332 tỷ đồng đạt 63,5%; vốn nước ngoài giải ngân được 2.390 tỷ đồng, đạt 49,1%.
“Như vậy, 9 tháng năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải là một trong 4 bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ biểu dương vì giải ngân được trên 60% kế hoạch”, ông Nguyễn Trí Đức thông tin.
Bộ Giao thông Vận tải đáp cũng đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đến hết tháng 9/2021, các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân được tối thiểu 60% kế hoạch năm 2021.

Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Với khối lượng giải ngân khoảng 20.000 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung ở các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông; 14 dự án đường bộ, đường sắt cấp bách và các dự án trọng điểm giao vốn lớn như cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, hai dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất...
Để đưa nguồn vốn này kịp thời vào nền kinh tế, đầu tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với các dự án giao thông. Nhiệm vụ của Tổ công tác là đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án.
Là chủ thể trực tiếp giải ngân vốn đầu tư, các ban quản lý dự án đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo không để dịch bệnh làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Trần Hữu Hải, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho biết, cao tốc Bắc - Nam đang là “mỏ” giải ngân lớn nhất của các ban quản lý dự án. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các ban quản lý phải đưa ra những giải pháp mới vừa thi công, vừa phòng dịch trên công trường để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn.
Ông Trần Hữu Hải nhấn mạnh: “Mấu chốt giải ngân là việc dự án phải có sản lượng thi công và khối lượng nghiệm thu thanh toán. Ngay sau khi tổ chức thi công đồng loạt các gói thầu cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu trong tháng 7 vừa qua, đơn vị đã thiết lập hệ thống phần mềm họp trực tuyến với ban điều hành dự án, các nhà thầu, tư vấn để chỉ đạo tổ chức thi công hàng ngày, hàng tuần”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, Tổ phó tổ công tác đặc biệt thừa nhận: Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn nặng nề, bởi chỉ còn 3 tháng là hết năm nhưng hiện tại, miền Trung đã bước vào mùa mưa, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng diễn ra tại nhiều dự án, giá thép tăng cao, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp là những thách thức không nhỏ trong việc đẩy mạnh thi công và giải ngân nguồn vốn.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm: “Nhiều tháng qua, các cán bộ ban quản lý dự án, kỹ sư đều “trực chiến” trên công trường để cùng ăn, cùng ở với công nhân, kịp thời đôn đốc tiến độ, khối lượng công việc, làm các thủ tục hồ sơ thanh quyết toán kịp thời ngay tại công trường.

Tới đây, Tổ công tác đặc biệt sẽ sát sao hơn nữa về tiến độ dự án như: yêu cầu mốc cụ thể từng ngày, từng tuần, từng tháng, thi công những hạng mục gì, khối lượng ra sao. Nếu chưa kịp phải tăng tốc để bù vào sản lượng đang thiếu cho kịp tiến độ”.
Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn khác, Bộ cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên "luồng xanh" cho máy móc, xe vật liệu xây dựng vào công trường để thực hiện các dự án cao tốc trọng điểm quốc gia. Đối với những khó khăn về nguồn vaccine, Bộ cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, nhà thầu, ban quản lý dự án.
Đánh giá tiến độ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, nhờ tỷ lệ giải ngân cao, hàng năm Bộ Giao thông Vận tải đã đưa vào nền kinh tế kịp thời 30.000 - 40.000 tỷ đồng. Nhiều dự án về đích đúng hạn, giúp sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công trong thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn về sử dụng nguồn vốn này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu, đánh giá cân đối các nguồn lực để đảm bảo đầu tư được hài hòa giữa các lĩnh vực, tránh tình trạng tập trung nhiều vào đường bộ trong khi các lĩnh vực khác có tiềm năng như đường thủy, đường sắt lại có tỷ lệ đầu tư rất thấp, dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh của các lĩnh vực này.
Chia sẻ về huy động các nguồn vốn cho lĩnh vực giao thông, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, cần thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội theo phương thức PPP (hợp tác công tư) để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cân đối các nguồn lực để đầu tư hài hòa, cân đối giữa các lĩnh vực giao thông; trong đó có chú trọng những dự án giao thông lớn, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng kinh tế.
Bài cuối: Trách nhiệm của các cấp quyết định kết quả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục