Giải pháp mạnh trong bối cảnh đặc biệt

08:06' - 01/10/2021
BNEWS Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn thành phố đạt chưa đầy 50% kế hoạch năm 2021.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt cho cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, trong đó lĩnh vực xây dựng và vật liệu kèm theo đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nhiều công trình đình trệ, vốn giải ngân đạt thấp, nhiều công nhân, lao động trong lĩnh vực này lao đao vì không có việc làm.

Tình huống đặc biệt đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp tương ứng, linh hoạt để có thể giúp các dự án đầu tư công tại Thủ đô không bị kéo dài thời gian ngưng trệ, dẫn tới đóng băng nguồn tiền-vốn được coi là động lực của phát triển kinh tế.

* Khi nguồn vốn phải "đắp chiếu"!

Có thể thấy, chưa có năm nào ngành xây dựng Thủ đô chật vật đến như vậy, đặc biệt là phần lớn các công trình có vốn đầu tư công trên địa bàn phải “đắp chiếu” nghỉ gần 60 ngày đêm giãn cách toàn xã hội để thành phố tập trung cho phòng, chống dịch.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn thành phố đạt chưa đầy 50% kế hoạch năm 2021. Đây là con số mà UBND thành phố Hà Nội đánh giá ở mức giải ngân thấp, không đạt theo yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố và UBND thành phố đề ra.

Như vậy, với kết quả này, thành phố sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Chính phủ là đến hết quý III, tỷ lệ giải ngân của toàn thành phố đạt 60% kế hoạch vốn năm 2021.

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, trước tình hình khó khăn, quận đã cố gắng nỗ lực bằng mọi hình thức, đẩy nhanh làm việc trực tuyến, mọi công đoạn của khâu chuẩn bị đầu tư như thiết kế, duyệt thiết kế, thẩm định, họp hội đồng giải phóng mặt bằng… đều qua online. Quận gửi hồ sơ phương án giải phóng mặt bằng công khai đến từng gia đình, đồng thời niêm yết những vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư cho người dân được biết.

Vậy nhưng vẫn gặp rất nhiều trở ngại, do các công trình phải nghỉ vì dịch bệnh, vật liệu xây dựng chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh ngoài về cũng khó khăn, giải phóng mặt bằng cũng phải dừng vì không thể đi điều tra khảo sát thực tế, không gặp gỡ được với người dân...

Mặc dù vậy, toàn quận đã giải ngân đạt 49% theo kế hoạch và nỗ lực phấn đấu những tháng cuối năm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 100% kế hoạch, với số vốn 308 tỷ đồng.

Hà Đông là quận đang phát triển mạnh, tập trung rất nhiều dự án, công trình xây dựng lớn, có nhiều tòa nhà, khu đô thị mới. Đợt giãn cách xã hội vừa qua các công trình tạm dừng thi công, hàng chục nghìn lao động nghỉ việc; trong đó, có 13.000 lao động tỉnh ngoài mắc kẹt tại địa bàn.

Bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, quận luôn tranh thủ thời gian trống để bố trí thi công hợp lý nhất. Tính đến cuối tháng 9 này, quận Hà Đông giải ngân vốn đầu tư công ngân sách quận gần 298 tỷ đồng, đạt 77,7% so với dự toán thành phố giao và đạt 48,1% so với dự toán quận giao.

Còn tại huyện Ba Vì, là “vùng xanh” của thành phố, thời gian qua cũng tăng cường nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công và đã đạt được 54,5% kế hoạch thành phố giao. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, huyện đã rất chủ động thẩm định, phê duyệt phương án lao động, sản xuất của 62 dự án trên địa bàn để chờ hết giãn cách xã hội là bắt tay vào thi công ngay.

Dịp này, doanh nghiệp xây dựng công trình đầu tư công gặp khó khăn. Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 hiện đang là nhà thầu thi công và liên danh thi công tại một số dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Tại Hà Nội, công ty đang triển khai Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3...

Trong thời gian qua, việc đảm bảo tiến độ thi công an toàn và nhanh chóng luôn được đơn vị này đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân mà các dự án đang thi công bị ảnh hưởng. Đại diện Công ty Cienco 4 cho biết, dịch bệnh đã khiến việc vận chuyển vật liệu xây dựng, thiết bị xây lắp gặp nhiều khó khăn.

Do quy định không thống nhất giữa các địa phương về các biện pháp giãn cách xã hội đã hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Các đơn đặt hàng vật liệu, thiết bị từ các địa phương khác chuyển vào vùng dịch, giãn cách xã hội trong thời điểm này bị chậm tiến độ đề ra. Điều này đã làm nhiều công trình gặp tình trạng thiếu vật tư, thiết bị cần thiết để thi công.

“Vào thời điểm này, nguyên vật liệu xây dựng đầu vào, đặc biệt là giá thép có xu hướng tăng giảm thất thường. Có thời điểm giá thép tăng giá mạnh khiến chúng tôi gặp khó trong nhập vật liệu cho các công trình”, đại diện Cienco 4 cho biết.

Trước những khó khăn này, Cienco 4 đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo các dự án đầu tư công được thi công đúng tiến độ. Công ty đã đề xuất với chính quyền nơi thực hiện dự án có thêm cơ chế, chính sách để các xe vận chuyển vật liệu được vào thành phố nhanh hơn, giao đủ vật liệu để tiếp tục hoàn thành dự án; kiến nghị các bộ, ngành xem xét các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng, không để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu cần thiết.

Bên cạnh đó, công ty chỉ đạo hoàn thiện các hạng mục công trình có thể chủ động trong nguồn vật liệu xây dựng sẵn có và dễ mua trong thời gian chờ nguồn vật liệu khác, duy trì nguồn nhân lực đầy đủ sẵn sàng thực hiện các mũi thi công công trình, không để công trình bị dừng lại.

*Giải pháp mạnh trong bối cảnh đặc biệt

Trước tình hình cấp bách trong giải ngân vốn đầu tư công, UBND thành phố Hà Nội đang tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND thành phố đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài.

UBND thành phố Hà Nội tiếp tục kiên định đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021; trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các dự án có sử dụng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 cần khẩn trương, tích cực triển khai đúng tiến độ, tránh tình trạng hủy dự toán vốn 2020 kéo dài.

Thành phố chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Hà Nội tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 trước khi giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đối với dự án có cả kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch năm 2020 kéo dài.

UBND thành phố Hà Nội xác định việc thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. UBND thành phố đã có nhiều giải pháp về điều hành nguồn vốn của cấp thành phố đối vớỉ nguồn vốn ODA cấp phát, ODA vay lại.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, các chủ đầu tư gồm Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường thành phố; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, dự kiến khả năng thực hiện kế hoạch năm 2021 trên tinh thần nỗ lực triển khai ở mức cao nhất các dự án sử dụng vốn ODA cấp phát và ODA vay lại.

Trên cơ sở đó, thành phố đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát, vay lại trong trường hợp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021.

Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thủ tục đầu tư để đủ điều kiện bố trí vốn năm 2021. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND thành phố thực hiện thủ tục phân bổ kế hoạch vốn đối với các dự án ngay sau khi đảm bảo đủ điều kiện bố trí vốn.

UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá kỹ, dự kiến khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2021 của từng dự án trên tinh thần nỗ lực ở mức cao nhất; các đơn vị tiếp tục đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 như điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và phải nêu rõ lý do.

Trên cơ sở đó, các đơn vị đề xuất điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đối với các dự án có khả năng giải ngân tốt, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để hoàn thành trong năm 2021, các dự án mới có đủ thủ tục và đảm bảo điều kiện đấu thầu, thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao bổ sung. Các dự án đề xuất bổ sung vốn phải đảm bảo có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung.

Thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ thực hiện dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với địa phương bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia, thành phố và bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã khi đề xuất bổ sung vốn cho dự án mới phải rà soát kỹ, đảm bảo dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, chủ trương đầu tư, dự án đầu tư... đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu, khởi công trong năm 2021 ngay sau khi được thành phố bố trí vốn hỗ trợ bổ sung năm 2021.

Đối với ngân sách cấp huyện, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 rà soát, đánh giá khả năng thu ngân sách theo dự toán đã giao; trường hợp dự toán thu không đảm bảo, báo cáo xem xét điều chỉnh giảm dự toán chi tương ứng nhưng phải đảm bảo cân đối đủ nguồn lực cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội.

Còn tiếp Bài 3: Xử lý nghiêm dự án chậm triển khai

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục