Đưa thương hiệu đồng Đại Bái ra thị trường thế giới

10:08' - 10/11/2021
BNEWS Trước đây, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, các công đoạn làm đồng Đại Bái đều thủ công, chủ yếu là sản phẩm gồm đồ gia dụng, phục vụ đời sống sinh hoạt như xoong, nồi, chậu, ấm, chén…

Với mong muốn đưa sản phẩm đúc, khảm đồng Đại Bái đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước, anh Nguyễn Văn Đông, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã đưa các sản phẩm tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, sản phẩm của anh đã tạo nên thương hiệu riêng, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình.

Chia sẻ về quá trình đến với nghề, anh Đông cho biết sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại Bái, ngay từ ngày còn nhỏ, anh đã được bố mẹ dạy đúc đồng. Trước đây, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, các công đoạn đều làm thủ công, chủ yếu là sản phẩm gồm đồ gia dụng, phục vụ đời sống sinh hoạt như xoong, nồi, chậu, ấm, chén…

Cùng với sự phát triển của xã hội, với tinh thần năng động, ham học hỏi, những người thợ trong làng đã ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại để làm mới các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, song song với sản xuất đồ gia dụng, những người dân Đại Bái làm thêm các mặt hàng đồng mỹ nghệ có khảm các loại kim khí.

Bắt nhịp với xu thế của thời đại, năm 2013, anh Nguyễn Văn Đông thành lập cơ sở đồng Đông Huyền, tại xã Đại Bái chuyên sản xuất đồ đồng mỹ nghệ. Các sản phẩm đồng mỹ nghệ của sơ sở của anh có chủng loại đa dạng, phong phú, chất lượng như bộ đồ thờ cúng bằng đồng, mặt trống đồng, tranh đồng, tượng đồng, đồ đồng phong thủy…

Trong số đó, có 2 sản phẩm là bộ đồ thờ đồng ngũ sắc và mặt trống đồng được lựa chọn tham gia chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2021.

Anh Đông chia sẻ, đây là hai trong số các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu trong số những sản phẩm tại làng nghề Đại Bái. Theo anh Đông, các sản phẩm đồ đồng của cơ sở của anh đều được làm thủ công, chỉn chu, tỷ mỉ trong từng công đoạn từ đúc, sửa nguội, mài, dũa, đánh bóng, sơn màu…

Đặc biệt đối với bộ đồ thờ đồng ngũ sắc, mỗi sản phẩm đều được anh trực tiếp làm. Để có sản phẩm đạt chất lượng tốt, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu, những người thợ chọn đồng hợp kim gồm đồng đỏ, đồng vàng, thiếc theo tỷ lệ nhất định.

Có vậy, khi đúc mới đảm bảo màu sắc, chất lượng sản phẩm. Khác với những sản phẩm đồ đồng khác, mỗi sản phẩm chạm ngũ sắc cần cầu kỳ và cần độ chính xác cao.

Bên cạnh làm theo các bước cổ truyền thì nét độc đáo nhất của bộ đồ thờ ngũ sắc là không dừng lại ở việc trau chuốt, trơn nhẵn sản phẩm, mà còn được khảm các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo bằng những miếng kim loại từ vàng, bạc, đồng đỏ, đồng xanh, đồng đen lên bề mặt cho thêm phần sinh động, đẹp mắt, vừa mang tính trang nghiêm.

“Một bộ đồ thờ ngũ sắc gồm đỉnh đồng, đôi hạc và hai chân nến. Người thợ Đại Bái phải kết hợp hài hòa giữa hoa văn, họa tiết và màu sắc hài hòa để sản phẩm làm ra vừa có tính thẩm mỹ vừa đảm bảo tính uy nghiêm trong bộ đồ thờ. Điều đó, tạo nên nét khác biệt, hiện nay sản phẩm này được đánh giá là sản phẩm cao cấp nhất trên thị trường, mang lại giá trị tâm linh, sự may mắn, hạnh phúc và ý nghĩa trong mỗi gia đình, dòng tộc.

Ví như trên chiếc đỉnh đồng thường được chạm khắc biểu tượng “rồng chầu mặt nguyệt” thì thân rồng sẽ được chạm vàng, đầu, râu, đuôi rồng chạm bạc, kết hợp với những đám mây được chạm đồng xanh, đồng đỏ, đồng đen… tạo nên bức tranh cuốn hút”, anh Đông nói.

Với mẫu mã phong phú, chất lượng bảo đảm, bộ đồ thờ đồng ngũ sắc của cơ sở Đông Huyền được khách hàng trong tỉnh và cả nước ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm có giá từ 25 – 50 triệu đồng/bộ, tùy kích cỡ. Bình quân mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường hàng chục bộ với doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm từ sản phẩm này.

Ngoài bộ đồ thờ đồng ngũ sắc, cơ sở của anh còn nổi tiếng với sản phẩm mặt trống đồng. Anh Đông cho biết đây là sản phẩm anh rất tâm đắc vì nó lưu dấu nét cổ truyền của dân tộc, mỗi khi nhìn vào mặt trống đều bừng lên truyền thống, tự hào dân tộc.

Nguyên liệu làm mặt trống được làm từ đồng vàng, sau khi dát mỏng thành miếng, những người thợ sẽ chạm khắc hình bản đồ Việt Nam, các họa tiết theo hình mặt trống đồng Đông Sơn truyền thống như chim hạc, con thú, hình người lao động sản xuất…

Các chi tiết trên mặt trống được chạm vô cùng tỉ mỉ và sắc nét. Công đoạn này đòi hỏi tính kỹ thuật, mỹ nghệ cao, người thợ phải khéo léo để không để lại vết trên bề mặt, thậm chí, chỉ một lỗi nhỏ sẽ làm hỏng cả sản phẩm.

Mặt trống đồng được sử dụng làm vật phẩm phong thủy treo phòng khách, phòng làm việc hay phòng họp… Đây cũng trở thành món quà tặng độc đáo và đầy ý nghĩa trong những dịp đặc biệt của người Kinh Bắc nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Mỗi năm, cơ sở của anh đưa ra ngoài thị trường hàng trăm mặt trống đồng có giá từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Nhờ đa dạng mẫu mã, thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay, mỗi năm cơ sở sản xuất của anh đưa ra thị trường hàng nghìn sản phẩm các loại, tạo công việc thường xuyên cho 6 lao động với mức tiền công từ 6 đến 9 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình cho biết, chị làm cho gia đình anh Đông được 5 năm với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng.

“Được làm việc tại đây, bên cạnh kiếm thêm thu nhập cho gia đình, tôi mong muốn có thể gìn giữ và phát huy giá trị nghề truyền thống của cha ông", chị Hà bày tỏ.

Tham gia chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2021, anh Nguyễn Văn Đông mong muốn các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện sản phẩm của gia đình có thể từng bước xuất khẩu ra thị trường thế giới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương. Thời gian tới, anh tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa nhiều sản phẩm có giá trị tham gia vào chương trình OCOP.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Bình Nguyễn Khắc Đạm cho biết, với việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm đồng, cơ sở đồng Đông Huyền đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo tồn, phát triển thương hiệu đồng Đại Bái và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Với những sản phẩm được lựa chọn tham gia vào chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2021, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cơ sở tham gia tập huấn phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời có kế hoạch đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, góp phần tạo điều kiện tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Song song với đó, địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.../.

>>>Làng nghề đóng xuồng ghe trăm tuổi ở Đồng Tháp gặp khó khăn vì COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục