Đưa vào sử dụng cống ngăn mặn hiện đại lớn thứ hai ở miền Tây

09:31' - 04/11/2024
BNEWS Dự án Đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành-cống ngăn mặn lớn thứ hai ở miền Tây hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và bàn giao cho tỉnh Tiền Giang quản lý.

Ngày 4/11, theo Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Ban 10) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án Đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và bàn giao cho tỉnh Tiền Giang quản lý.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành có tổng mức đầu tư hơn 518 tỷ đồng, là công trình ngăn mặn hiện đại, có quy mô lớn nhất tỉnh Tiền Giang từ trước đến nay, đáp ứng niềm kỳ vọng của nhân dân về một giải pháp phòng, chống hạn, mặn triệt để, bền vững, nhất là không còn tình trạng phải đắp đập tạm như trước đây. Theo thiết kế, dự án có hạng mục chính là cống rộng 40 m bằng bê tông, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực. Phần âu thuyền dài 150 m có chiều rộng thông nước 12 m, cao trình 5,5 m. Một số hạng mục phụ bao gồm nhà điều hành, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động.

 
Đây là cống ngăn mặn có quy mô lớn thứ hai ở miền Tây, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé của tỉnh Kiên Giang. Dự án khởi công vào tháng 11/2022 và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu tháng 11/2024 nhờ vào nỗ lực thi công vượt tiến độ của các đơn vị thi công.

Thực hiện theo yêu cầu ngăn mặn của tỉnh Tiền Giang, nhà thầu đã vận hành đóng cửa cống từ ngày 1/3/2024 cũng như vận hành mở cửa cống từ ngày 16/5/2024 để cấp nước và tiêu thoát nước ô nhiễm trong mùa hạn mặn vừa qua.

Ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban 10 cho biết, dự án Đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành hoàn thành có sự quyết tâm của tất cả các đơn vị tham gia dự án từ Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...; lãnh đạo Ban 10 cũng thường xuyên quan tâm, đặc biệt là đơn vị giám sát. Các nhà thầu đã thi công ngày làm đêm, tăng ca, tăng kíp để về đích đúng theo tiến độ phê duyệt. Ngoài ra, đặc biệt có sự chỉ đạo và phối hợp giải quyết các vướng mắc kịp thời của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cũng như UBND huyện Châu Thành cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang.

Ông Huỳnh Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bày tỏ, do đặc thù của huyện Châu Thành là vùng cây ăn trái phía Nam lộ cặp theo sông Tiền có 12.000 ha cây ăn trái các loại cùng 8.000 ha rau màu ở phía Bắc lộ nên việc phòng chống hạn mặn hàng năm luôn được địa phương chú trọng quan tâm. Năm 2023, huyện Châu Thành được tỉnh cũng như Trung ương quan tâm, đầu tư cho 2 cống Rạch Gầm ở Kim Sơn và cống Rau Răm ở Thới Sơn, đặc biệt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành trên địa bàn huyện Châu Thành.

Sau khi hoàn thành, cống âu Nguyễn Tấn Thành cùng hệ thống các cống thuộc dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 giai đoạn 1 (đã hoàn thành) sẽ đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho diện tích gần 100.000 ha, tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang cùng Long An.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, cống âu Nguyễn Tấn Thành là công trình trọng điểm của địa phương, đồng thời thể hiện sự liên kết vùng trong đầu tư. Dự án sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của tỉnh, nhất là tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền cho việc đắp đập tạm ngăn mặn hàng năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục