Đức bảo vệ lợi ích trong cuộc chiến Mỹ - Nga

05:30' - 13/08/2017
BNEWS Đức từng tỏ ý rằng sẽ không hành động gây thiệt hại cho chính bản thân mình trong lĩnh vực khí đốt, bất chấp lời đề nghị của Mỹ về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga.
Đức bảo vệ lợi ích trong cuộc chiến Mỹ - Nga. Ảnh: Reuters

Báo Gazeta.ru (Nga) có bài viết cho biết khối lượng khí đốt không đi qua lãnh thổ Ukraine mà theo đường ống dẫn khí của Đức OPAL, thuộc hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc”, hiện đã tăng lên đáng kể.

Tại buổi bán đấu giá ngày đầu tiên của Prisma European Capacity Platform diễn ra hôm 1/8, thông tin cho biết lượng khí đốt có thể bơm qua đường ống dẫn OPAL đã tăng lên 1/4. Theo thông tin không chính thức thì Gazprom đã mua được quyền sử dụng tổng khối lượng này.

Đường ống dẫn khí đốt của Đức là một phần mở rộng của dự án “Dòng chảy phương Bắc” dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức. Năm ngoái, nhà điều hành dự án “Dòng chảy phương Bắc” AG đã thông báo tổng khối lượng cung cấp đạt 43,8 tỷ m3 (công suất tối đa là 55 tỷ m3).

Gazprom có khả năng sử dụng thường xuyên 50% (tương đương 12,8 tỷ m3) công suất vận chuyển của đường ống OPAL. Theo pháp luật năng lượng châu Âu thì phần còn lại đã được bán đấu giá.

Nhưng do ngoài các công ty Nga thì không còn người mua nào khác nên Gazprom lại được Uỷ ban châu Âu (EC) cho phép mua thêm 40% công suất của đường ống OPAL (tương đương 10,2 tỷ m3). Ba Lan và Ukraine coi đây là mối đe doạ bởi vì trong trường hợp này, việc vận chuyển khí đốt qua hệ thống đường ống của họ sẽ bị giảm xuống.

Công ty PGNiG của Ba Lan đã đệ đơn kiện lên Toà án châu Âu về việc họ cho là vi phạm các quy tắc cạnh tranh và quyền khai thác thêm 40% đường ống OPAL đã bị cản trở. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2017, Toà án châu Âu đã gỡ bỏ lệnh cấm và Toà án tối cao khu vực Dusseldorf cũng đưa ra một quyết định tương tự.

Theo trang mạng của hãng thông tấn Liên bang Đức (Bundesnetzagentur, BnetzA), Gazprom không nhận được sự hỗ trợ nào trong khi tiến hành đấu giá phần công suất bổ sung của OPAL: “Cuộc bán đấu giá thông qua Prisma thực hiện đã không cho Gazprom bất cứ quyền lợi ưu thế nào.

Ngược lại, phương pháp đấu giá đảm bảo cơ chế chung cho tất cả các bên có thể tham gia vào dự án, có nghĩa là các công ty khác cũng hoàn toàn có thể tham gia vào buổi đấu giá”.

Gazprom không trực tiếp xác nhận kế hoạch tham gia buổi đấu giá công suất của OPAL nhưng cho rằng họ cũng có khả năng. Công ty xuất khẩu Gazprom Export cho biết quyết định của Uỷ ban châu Âu từ ngày 28/10/2016 và thoả thuận về giải quyết từ ngày 28/11/2016 vẫn có hiệu lực.

Điều này cho phép công ty điều hành đường ống OPAL, sau khi tham khảo ý kiến với nhà điều phối Đức, tiến hành cuộc bán đấu giá phần công suất của đường ống OPAL, còn công ty “Gazprom Export” và các bên quan tâm thứ ba, tham gia vào cuộc bán đấu giá này để đăng ký mua phần công suất bổ sung đó.

Gazprom được phép mua tỷ lệ công suất đáng kể của đường ống OPAL thuộc dự án thuộc hệ thống Dòng chảy phương Bắc. Ảnh: Reuters

Hiện Nga có thể sử dụng gần như đầy đủ công suất của đường ống Dòng chảy phương Bắc. Ngoài ra, quyết định của Toà án và Nhà điều phối Đức là tín hiệu tốt đối với phía Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Trước đó, Đức tỏ ý rằng sẽ không hành động gây thiệt hại cho chính bản thân mình trong lĩnh vực khí đốt, bất chấp lời đề nghị của Mỹ về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga.

Đức đang cho thấy rằng họ sẽ không từ bỏ việc hợp tác ích lợi với Nga trong lĩnh vực khí đốt bất chấp các áp lực của Ba Lan, Ukraine, hay kể cả Mỹ khi tìm cách áp đặt EU phải sử dụng khí hoá lỏng tự nhiên LNG của Mỹ với giá thành đắt hơn khí đốt của Nga.

Trong bối cảnh này, triển vọng của dự án Dòng chảy phương Bắc-2, vốn được đề cập trực tiếp trong luật trừng phạt của Mỹ, có lẽ không quá ảm đạm.

Đối với Ukraine, quốc gia đang đều đặn nhận được gần 2 tỷ USD mỗi năm từ vận chuyển khí đốt thì đây là một tin xấu. Nếu "dòng chảy thứ 2” đi vào hoạt động thì Ukraine có thể sẽ mất đi khoản tiền trên và thậm chí mất đi vai trò quốc gia trung chuyển khí đốt Nga.

Lãnh đạo Gazprom Aleksey Miller cho biết theo kế hoạch tái cơ cấu hành lang vận chuyển khí đốt trên lãnh thổ Nga thì đến đầu năm 2022, tiềm năng vận chuyển quá cảnh qua Ukraine ở hành lang trung tâm có thể đạt khối lượng từ 10 tỷ đến 15 tỷ m3.

Đức đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách trừng phạt mới của Mỹ. Ngoại trưởng Đức Zigmar Gabriel đã từng tuyên bố trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký dự thảo luật về thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga thì cần phải tham vấn với các đại diện của các quốc gia châu Âu.

Ngoại trưởng Đức dự định sẽ thảo luận tích cực về dự thảo luật nhiều tranh cãi này với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Đồng thời, Ngoại trưởng Gabriel cũng khẳng định Berlin đang cố gắng, một mặt bằng các biện pháp trừng phạt để sớm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine và “gây áp lực chính trị đối với Moskva”, nhưng mặt khác cũng phải bảo vệ chính sách công nghiệp của EU trước các lệnh trừng phạt của Mỹ”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục