Nghịch lý trong ngành năng lượng Mặt Trời của Đức

06:30' - 29/02/2024
BNEWS Dù nhu cầu về năng lượng Mặt Trời ở Đức đang trong giai đoạn bùng nổ, nhưng ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời của nước này lại đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

Theo bài viết trên báo Die Welt (Thế giới) của Đức, trong khi, Hiệp hội công nghiệp năng lượng Mặt Trời liên bang (BSW) tích cực vận động để nhà nước tài trợ cho ngành này, nhằm cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, thì một số nhà sản xuất lại lo ngại rằng các khoản tài trợ sẽ mang lại nhiều tác hại. Những tranh cãi ngày càng có xu hướng tăng lên.

Thời gian qua, việc hiệp hội BSW tích cực vận động hành lang nhằm có được nguồn tài trợ mới từ Chính phủ Đức đã khiến cho một số nhà sản xuất năng lượng Mặt Trời non trẻ ở nước này rút khỏi tư cách thành viên BSW.

Theo lãnh đạo hiệp hội, chỉ khi nhận được các khoản tài trợ từ chính phủ, ngành sản xuất thiết bị năng lượng Mặt Trời nước này mới có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ và duy trì sản xuất ở Đức. Nếu không có "khoản hỗ trợ khả năng phục hồi" của chính phủ, nguy cơ nhiều doanh nghiệp phải sớm đóng cửa các cơ sở sản xuất ở nước này.

Tuy nhiên, những người chỉ trích trong hàng ngũ của BSW lại tin rằng các khoản hỗ trợ như vậy không chỉ vô ích mà thậm chí còn gây hại. Tranh chấp giữa những người ủng hộ và những người phản đối hỗ trợ trong ngành năng lượng Mặt Trời đã trở nên “nóng bỏng” trong những tuần gần đây.

Hiệp hội BSW kêu gọi Chính phủ Đức cung cấp mức hỗ trợ cao hơn cho tất cả những nhà máy điện Mặt Trời sử dụng các thiết bị của châu Âu. BSW cho rằng điều này là cần thiết vì thiết bị nhập khẩu đang tràn ngập thị trường châu Âu với mức giá thấp chưa từng thấy. Các nhà sản xuất thiết bị của châu Âu bị đẩy vào “thế bí” do không thể cạnh tranh với thiết bị nhập khẩu. Điều này sẽ càng khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, các công ty trẻ cung cấp hệ thống năng lượng Mặt Trời như Enpal, 1Komma5° và Zolar đã phản đối lời kêu gọi của hiệp hội BSW về một "khoản hỗ trợ khả năng phục hồi" như vậy. Bởi nếu không có mô-đun giá rẻ nhập khẩu, hoạt động kinh doanh của họ ở Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và quá trình chuyển đổi năng lượng khó có thể thực hiện được.

Họ lập luận rằng các mức giá đầu vào khác nhau sẽ khiến khách hàng ngày càng khó khăn trong việc lựa chọn hệ thống năng lượng Mặt Trời phù hợp. Khách hàng trước hết sẽ chờ xem sự hỗ trợ sẽ mang lại ưu đãi gì, thay vì nhanh chóng đặt hàng các mô-đun.

Bà Sarah Müller, lãnh đạo công ty Zolar, đề cập đến những trải nghiệm tồi tệ với khoản hỗ trợ cho phương tiện di chuyển bằng điện do Bộ Giao thông Đức đưa ra. Bà cho biết khoản tài trợ này đã hết ngay trong vòng 24 giờ sau khi được triển khai. Với khoản tài trợ tương tự cho năng lượng Mặt Trời, bà lo ngại rằng thị trường sản phẩm năng lượng Mặt Trời khi đó sẽ nhàn rỗi trong một khoản thời gian dài vì mọi khách hàng sẽ chờ đợi chương trình tài trợ tiếp theo, thay vì lựa chọn sản phẩm ngay.

Vài tuần trước, công ty sản xuất thiết bị năng lượng Mặt Trời Meyer Burger của Thụy Sỹ đã cảnh báo sẽ đóng cửa hai nhà máy tại Đức, thay vào đó công ty này sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ở Mỹ nếu Chính phủ Đức không cung cấp các khoản tiền hỗ trợ.

Nhưng việc cung cấp khoản hỗ trợ khả năng phục hồi đã gây tranh cãi lớn trong liên minh "Đèn giao thông" (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP). Cuối cùng, khoản hỗ trợ trong "Gói năng lượng Mặt Trời 1" đã không được thông qua trong tuần này.

Đối với công ty Meyer Burger, ngưỡng chịu đựng đã bị vượt quá. Cuối tuần trước, công ty này thông báo sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất mô-đun năng lượng Mặt Trời ở Freiberg. Hoạt động của nhà máy này sẽ dừng lại từ nửa đầu tháng Ba và đóng cửa vào cuối tháng Tư. Thay vào đó, Meyer Burger cho biết họ muốn tăng cường sản xuất ở Mỹ.

Với nhà máy ở Freiberg, Meyer Burger tuyên bố sở hữu cơ sở sản xuất mô-đun năng lượng Mặt Trời lớn nhất châu Âu. 500 công nhân đang làm việc tại địa điểm này. Theo Meyer Burger, việc đóng cửa nhà máy ở Freiberg là do "vẫn chưa có biện pháp hỗ trợ chính trị nào để khắc phục những biến dạng thị trường hiện tại do cung vượt cầu và do hành vi bán phá giá mô-đun năng lượng Mặt Trời ".

Các chính trị gia bang Sachsen lo ngại sự ra đi của công ty Meyer Burger sẽ giúp đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) có thêm động lực trong cuộc bầu cử cấp bang sắp tới ở bang này. Thủ hiến bang Sachsen, ông Michael Kretschmer, cho rằng không thể chấp nhận việc ngành công nghiệp Đức gặp khó khăn lớn như vậy, bất chấp sự bùng nổ về năng lượng Mặt Trời.

Chính phủ Đức cần phải tích cực hỗ trợ cho ngành năng lượng mới này. Bộ trưởng Kinh tế bang Sachsen Martin Dulig cho rằng đây là tín hiệu đáng báo động đối với nước Đức, với tư cách một địa điểm đầu tư. Bộ trưởng Năng lượng Sachsen, Wolfram Günther, cảnh báo rằng không nên phụ thuộc một chiều vào sản phẩm nhập khẩu. 

Hiệp hội BSW tiếp tục nỗ lực thuyết phục các chính trị gia Đức cung cấp khoản tài trợ. Theo ông Carsten Körnig, Giám đốc điều hành BSW, chỉ khi liên minh "Đèn giao thông" đồng ý tài trợ thì các nhà máy sản xuất mô-đun năng lượng Mặt Trời quy mô lớn ở Đức mới có tương lai.

Ông cho rằng đây không phải là hoạt động bảo hộ thị trường trước hàng nhập khẩu giá rẻ hoặc hạn chế sự di chuyển hàng hóa và cạnh tranh quốc tế, mà là cung cấp cho lục địa châu Âu các thiết bị năng lượng Mặt Trời quan trọng sản xuất ở chính châu Âu. Ông nhấn mạnh, về mặt lý thuyết, ngành công nghiệp quang điện đang phát triển của châu Âu "cung cấp đủ không gian cho các sản phẩm sản xuất trong nước cũng như hàng nhập khẩu".

Những nút thắt nguồn cung trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine cho thấy việc tăng cường khả năng tự chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những lo ngại về bất ổn địa chính trị gia tăng và xu hướng tăng chính sách bảo hộ kinh tế, khiến khát vọng tự chủ của các quốc gia trở nên cấp bách hơn. Tuy nhiên, điều này làm tăng nguy cơ chính phủ sẽ cung cấp nhiều tỷ euro cho một ngành công nghiệp tuy không thể thiếu, nhưng lại không mấy khả thi ở Đức trong dài hạn.

Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck nhận thức rõ rủi ro này. Trong một phát biểu mới đây ông bày tỏ "hy vọng Chính phủ Đức không phải đầu tư hàng tỷ euro, nhưng có thể bị buộc phải làm như vậy".

Hiện Chính phủ Đức đang hỗ trợ công ty Northvolt của Thụy Điển hơn 560 triệu euro (khoảng 606 triệu USD) để xây dựng nhà máy sản xuất pin ở Dithmarschen, bang Schleswig-Holstein. Berlin cũng cung cấp nhiều hỗ trợ hơn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ngành thép. Điều này ngoài mục đích giảm lượng khí thải carbon, còn nhằm bảo hộ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đối với các sản phẩm thép - loại nguyên liệu hàng đầu của nhiều ngành công nghiệp quan trọng.

Bộ trưởng Habeck đã cam kết hỗ trợ 2,6 tỷ euro cho ngành thép bang Saarland. Mới đây nhất, tập đoàn thép ArcelorMittal cũng đã được phê duyệt hỗ trợ 1 tỷ euro. Nhưng hào phóng nhất là dự án nhà máy sản xuất chíp của tập đoàn Intel ở thành phố Magdeburg, nơi Chính phủ Đức quyết định hỗ trợ tới 10 tỷ euro.

Về cơ bản, các chuyên gia kinh tế không coi những hỗ trợ này của chính phủ là động thái sai lầm, nhưng họ kêu gọi thận trọng. Theo ông Achim Wambach, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Âu (ZEW), việc tích cực đầu tư vào châu Âu là cần thiết nếu an ninh nguồn cung không thể được đảm bảo thông qua đa dạng hóa quốc tế hoặc hợp tác với các nước đối tác.

Tuy nhiên, việc tách khỏi các nhà cung cấp nước ngoài sẽ luôn có cái giá của nó. Từ bỏ sự phân công lao động và chuyên môn hóa quốc tế sẽ phải trả giá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục