Đức: "Nóng" cuộc tranh luận về việc bán các tài sản của nhà nước

12:00' - 14/02/2021
BNEWS Khi tình hình tài chính công của Đức đã bị ảnh hưởng lớn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vấn đề huy động vốn thông qua bán các tài sản của chính phủ đã trở thành chủ đề nóng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã nêu lên ý tưởng giảm sự tham gia của trong các doanh nghiệp nhà nước trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Die Welt trong tuần này.

Ông cho rằng việc bán các tài sản nhà nước có thể có lợi hơn khi giá tài sản tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Số tiền huy động được có thể giúp bù vào các khoản đã chi cho đại dịch, với số tiền chính phủ đã tiêu tốn là hơn 1.000 tỷ euro (1.200 tỷ USD) và quy định về trần nợ đã được dừng thực thi.

Tuy nhiên, đề xuất trên đã khiến một số quan chức chính phủ bất ngờ. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, người sẽ là ứng cử viên chức Thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong cuộc bầu cử vào tháng Chín, cho rằng ý tưởng đó có một chút kỳ lạ.

Ông nói rằng sự tham gia của nhà nước không đóng một vai trò đáng kể trong thời điểm chính phủ đang cấp số tiền hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch.

Đề xuất của ông Altmaier được đưa ra khi Đức đang cân nhắc tương lai của quy định không cho phép chính phủ vay quá mức tương đương 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một năm.

Vấn đề được đặt ra là trần nợ này sẽ được khôi phục khi đại dịch COVID-19 kết thúc hay đây là lúc Đức phải nới lỏng quy định về lâu dài trước những thách thức mới và phải vay dài hạn.

Đức đã vay mới khoảng 300 tỷ euro trong năm 2020 và 2021, mức cao nhất trong lịch sử gần đây.

Hồi tháng Một, ông Helge Braun, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức, đã đề nghị dừng thực hiện quy định về trần nợ dài hạn hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục