Đức: Phe đối lập yêu cầu ngừng đàm phán gia nhập EU với Thổ Nhĩ Kỳ

08:39' - 22/07/2016
BNEWS Trước những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ, đang có những tiếng nói từ phía liên minh cầm quyền cũng như phe đối lập ở Đức kêu gọi ngừng đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đối với nước này.
Dư luận Đức cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang quá mạnh tay sau vụ đảo chính. Ảnh: kasapafmonline.com

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo "Spiegel" (Tấm gương) của Đức cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang quá mạnh tay sau vụ đảo chính bất thành vừa qua. Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Erdogan tiếp tục muốn đình chỉ ít nhất là một phần Công ước châu Âu về nhân quyền.

Từ Berlin, Chính phủ Đức coi những diễn biến ở Thổ Nhì Kỳ với sự quan ngại sâu sắc và đang có nhiều tiếng nói yêu cầu đình chỉ các cuộc đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được khởi động từ năm 2005.

Chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng thuộc nhóm nghị sĩ đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) trong Quốc hội Florian Hahn cho rằng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về các chủ đề như nhà nước pháp quyền và tự do đã "không còn ý nghĩa", đồng thời đề nghị Thủ tướng Đức Angela Merkel  cũng phải thể hiện thái độ rõ ràng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Tổng Thư ký CSU Andreas Scheuer cũng đã yêu cầu đóng băng các cuộc đàm phán về gia nhập EU đối với Ankara. Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Đức Paul Ziemiak (thuộc đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo - CDU) cũng đã lên tiếng yêu cầu bà Merkel và những người đồng cấp châu Âu cần "thức tỉnh", tiến hành cuộc họp thượng đỉnh EU để đình chỉ đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phát ngôn chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong Quốc hội Niels Annan cũng nhấn mạnh, trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có những động thái như những ngày qua, cần phải đình chỉ các cuộc đàm phán. Trong khi đó, đồng Chủ tịch đảng Xanh Cem Özdemir kêu gọi ngừng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ "chừng nào ông Erdogan còn làm Tổng thống" nước này.

Không chỉ từ phía liên đảng bảo thủ, một cuộc thăm dò dư luận do Viện Emnid tiến hành cũng cho biết có tới 75% số người Đức được hỏi ủng hộ ngừng đàm phán giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibragim Kalyn ngày 21/7 cho rằng những chỉ trích đến từ các nước châu Âu do Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt tình trạng khẩn cấp là ví dụ rõ ràng về việc áp dụng "tiêu chuẩn kép".

Phát biểu với báo giới tại Ankara, ông Kalyn nêu rõ: "Tất cả chúng ta đều lên án hành động khủng bố đê hèn tại Paris dẫn đến việc Pháp áp đặt tình trạng khẩn cấp, song không ai cáo buộc Pháp vi phạm nhân quyền. Hành động tương tự cũng được Bỉ thực hiện sau các vụ tấn công khủng bố tại Brussels.

Đây là ví dụ rõ ràng về tiêu chuẩn kép". Theo ông Kalyn, châu Âu không nên lên án Thổ Nhĩ Kỳ những việc mà các nước khác ở lục địa này vẫn làm.

Ông Kalyn cũng nhấn mạnh rằng chế độ tình trạng khẩn cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thường nhật của người dân. Tuy nhiên, Ankara sẽ áp dụng mọi biện pháp để "quét sạch" những kẻ chủ mưu thực hiện vụ đảo chính vừa qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục