ECB thắt chặt chính sách tiền tệ có thể là cú sốc lớn với Italy

07:37' - 20/05/2022
BNEWS Việc ECB sắp chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ hạn chế hơn có thể sẽ làm tài chính công của Italy tổn hại thêm.

Với tỷ lệ lạm phát tại châu Âu hiện đang ở mức kỷ lục 7,5%, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang báo hiệu rằng họ sẽ sớm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để ngăn chặn lạm phát.

 

Tuy nhiên, động thái này của ECB có thể là một cú sốc đặc biệt đối với nền kinh tế Italy, vốn đã quen với việc ECB “vung tiền” mua tất cả các đợt phát hành nợ của chính phủ nước này như một phần của Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch COVID-19.

Điều đó đã cho phép Chính phủ Italy tự tài trợ cho chính mình với lãi suất thấp kỷ lục, bất chấp nền kinh tế rất yếu và tài chính công rất kém.
Italy không chỉ là "tâm điểm" của đại dịch COVID-19 tại châu Âu, mà còn đặc biệt dễ tổn thương với cú sốc về giá năng lượng Nga, do 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên của nước này là do Nga cung cấp.

Hậu quả của cả đại dịch và cú sốc giá năng lượng Nga là nền kinh tế Italy đã bị đình trệ, thâm hụt ngân sách tăng cao và nợ công của nước này tăng vọt lên tương đương 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với sau hai cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ trước.
Việc ECB sắp chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ hạn chế hơn có thể sẽ làm tài chính công của Italy tổn hại thêm. Điều này không chỉ bởi vì nền kinh tế châu Âu có thể không chống chọi được với một cuộc suy thoái khác khi ECB buộc phải chống lại lạm phát, mà còn bởi vì chi phí đi vay của Chính phủ Italy có thể tăng do lãi suất ECB cao hơn và phần bù rủi ro cao hơn mà các nhà đầu tư hiện sẽ yêu cầu đối với trái phiếu Italy.

Giờ đây, khi ECB sẽ sớm không còn mua trái phiếu Chính phủ Italy, nếu nước này muốn tránh một cuộc khủng hoảng nợ, họ sẽ cần phải đảm bảo với cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước rằng họ sẽ giảm mức nợ của mình xuống mức hợp lý hơn.
Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, Italy sẽ không thể sử dụng biện pháp giảm giá đồng tiền để bù đắp cho những tác động tiêu cực của việc thắt chặt ngân sách. Hậu quả là, bất kỳ nỗ lực nào trong việc “thắt lưng buộc bụng” để cải thiện tài chính công của nước này đều có thể phản tác dụng vì nó có thể làm trầm trọng thêm bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế nào.
Cách duy nhất để Italy đối phó với vấn đề nợ là nước này có được một con đường tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, thành tích tăng trưởng kinh tế kém cỏi trước đây của Italy mang lại rất ít hy vọng rằng điều này sẽ xảy ra.
Kể từ khi gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 1999, Italy là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người đã giảm thực sự trong 20 năm qua.
Tình hình nợ bấp bênh của Italy và việc ECB sắp kết thúc hoạt động mua trái phiếu đã thể hiện trên thị trường. Trong vài tháng qua, chênh lệch giữa trái phiếu Chính phủ của Italy và Đức đã tăng gấp đôi lên hơn 200 điểm cơ bản, do đó nâng chi phí đi vay của chính phủ Italy lên hơn 3%. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn khi Italy tiến tới cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7/2023./.

>>ECB: Tăng lãi suất sẽ không làm giảm giá năng lượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục