ECB tìm cách dung hòa vấn đề lạm phát với nguy cơ từ chiến sự tại Ukraine

14:13' - 10/03/2022
BNEWS Phương án an toàn nhất với ECB có lẽ là xác nhận quyết định đã đưa ra trước đó về việc tiếp tục giảm mua trái phiếu vào quý tiếp theo.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ đưa ra ít cam kết chính sách nhất có thể trong cuộc họp ngày 10/3, trong bối cảnh cú sốc từ căng thẳng Nga - Ukraine đã làm đảo lộn các dự báo kinh tế của ngân hàng này và khiến giới hoạch định chính sách đau đầu với các thực trạng mới.

 

Giữa lúc lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã chạm các mức cao kỷ lục kể cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nhà hoạch định chính sách đã được dự đoán sẽ tuyên bố chấm dứt chính sách kích thích kéo dài nhiều năm qua, mở đường cho một đợt nâng lãi suất và cuối năm nay.
Nhưng tình hình chiến sự tại Ukraine đã làm lung lay sự đồng thuận đó và 25 thành viên Hội đồng thống đốc ECB sẽ bước vào cuộc họp ngày 10/3 với những quan điểm trái chiều, từ đó làm tăng khả năng sẽ có một sự bất ngờ về chính sách.

Ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế của tập đoàn tài chính ING, cho biết: "Không ai có thể dự đoán một cách nghiêm túc rằng ECB sẽ bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ ở thời điểm bất ổn như vậy”.
Phương án an toàn nhất với ECB có lẽ là xác nhận quyết định đã đưa ra trước đó về việc tiếp tục giảm mua trái phiếu vào quý tiếp theo, đồng thời để ngỏ tất cả các cam kết khác, trong đó có thời điểm kết thúc chương trình mua tài sản nói trên và nâng lãi suất.
Chuyên gia Anatoli Annenkov của công ty dịch vụ tài chính Societe Generale, cho biết để tránh suy thoái, “chúng tôi dự đoán ECB sẽ đưa ra kết luận trong mùa Xuân này rằng lập trường chính sách sẽ cần phải thắt chặt nhanh hơn để bình ổn các dự báo lạm phát”.

Lạm phát tại Eurozone có thể cao gấp ba lần mức mục tiêu 2% của ECB trong năm nay và có thể tiếp tục tăng lên trong năm sau.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi và thị trường lao động đang ở trạng thái thắt chặt nhất hàng chục năm qua cũng sẽ thúc đẩy ECB từ bỏ lập trường chính sách siêu lỏng và chấm dứt chính sách kích thích phi truyền thống đã được áp dụng gần 10 năm qua.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đang kiên định với kế hoạch nâng lãi suất vào tuần tới để kiềm chế lạm phát.
Nhưng xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà các nước phương Tây ban hành với Nga, và tình hình giá hàng hóa tăng mạnh sẽ làm gia tăng sự bất ổn, kìm hãm lạm phát và làm giảm sức mua của các hộ gia đình. Đây là lý do để các ngân hàng trung ương giữ tâm lý thận trọng.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách vẫn có thể thúc đẩy ECB cắt giảm chính sách kích thích và đưa chính sách ít nhất về trạng thái “trung lập”.

Vì vậy ngân hàng này có thể phát đi tín hiệu chấm dứt chương trình mua trái phiếu trong những tháng tới, một quyết định sẽ làm tăng khả năng, nhưng không chắc chắn, sẽ xảy ra một đợt nâng lãi suất trong năm 2022.
ECB cũng được dự đoán sẽ không nhắc đến khả năng giảm lãi suất, và có thể bỏ lời khẳng định rằng ngân hàng này sẽ nâng lãi suất ngay sau khi chương trình mua trái phiếu khép lại./.

>>>Giá cả tại khu vực Eurozone có thể tiếp tục tăng phi mã

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục