EU bật đèn xanh cho tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ

12:46' - 12/04/2019
BNEWS Các nguồn tin ngoại giao cho hay, các nước thành viên Liên minh châu Âu đã bật đèn xanh" cho việc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, chấm dứt nhiều tháng bế tắc do sự phản đối của Pháp
EU bật đèn xanh cho tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ. Ảnh: USEU.usmission.gov/TTXVN

Hồi tháng 7/2018, EU và Mỹ đã nhất trí ngừng các động thái thương mại gây căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không áp thuế đối với ô tô nhập khẩu EU.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương lại gia tăng khi Mỹ mới đây áp thuế đối một số hàng hóa của EU với tổng giá trị lên tới 11 tỷ USD, trong đó có máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay.

Số tiền này tương đương với mức thiệt hại mà Mỹ cho là nước này phải hứng chịu do các khoản trợ cấp của châu Âu đối với các hãng chế tạo máy bay.
Tại cuộc họp ngày 11/4 của Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), đại diện các nước EU đã thông nhất hai sứ mệnh trong cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ: giảm thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp và nới lỏng các quy định cho phép các công ty hai bên đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ hoặc EU.

Hai sứ mệnh đối thoại này dự kiến sẽ được đưa ra thông qua chính thức tại cuộc họp của các Bộ trưởng Nông nghiệp EU vào ngày 15/4 tới tại Brussels.

Tuy nhiên, Pháp vẫn khẳng định sẽ tiếp tục phản đối để việc khởi động các vòng đàm phán được thông qua tại cuộc họp đầu tuần tới.

Các đối tác EU của Pháp đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bằng cách nhất trí yêu cầu sự bảo đảm về môi trường trong các cuộc đàm phán với Washington, vốn đã rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đã bị đình trệ sau khi chứng kiến các cuộc biểu tình rộng rãi tại đức, Pháp và Áo do lo ngại hiệp định này sẽ làm suy yếu các tiêu chuẩn của EU về thực phẩm và sức khỏe.

Berlin rất muốn tiến tới hiệp định này nhằm “xoa dịu” Tổng thống Trump và tránh việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa châu Âu, bao gồm ô tô - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đức.
EU và Mỹ cũng tranh cãi hơn 10 năm qua xung quanh lĩnh vực chế tạo máy bay. Hai bên cáo buộc lẫn nhau trợ cấp trái quy định cho các hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing, theo đó hai bên cùng khiếu nại lên WTO.

EU và Mỹ đều được cho là đã trợ cấp hàng tỷ USD cho hai hãng này để giành lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục