EU lúng túng sau “cơn địa chấn” Brexit

07:12' - 02/07/2016
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau “cơn địa chấn” Brexit không đưa ra được nhiều thông điệp đối với nước Anh.
EU lúng túng sau “cơn địa chấn” Brexit.Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau “cơn địa chấn” Brexit không đưa ra được nhiều thông điệp đối với nước Anh khi mà lãnh đạo 27 nước thành viên EU chỉ lặp lại tuyên bố hối thúc London nhanh chóng khởi động tiến trình đàm phán rời liên minh như ý nguyện của đa số cử tri Anh.

“Quả bóng” giờ lại được đá sang chân Anh, dù trên thực tế London cũng chưa thể làm gì ngay bởi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức để “nhường trách nhiệm” đàm phán với EU cho người kế nhiệm của ông, sớm nhất là ngày 9/9 mới được bầu chọn. Thách thức từ Brexit dường như một lần nữa bộc lộ rõ những điểm yếu của EU.

Các nhà lãnh đạo EU rõ ràng đã thất bại đau đớn trong nỗ lực lôi kéo Anh ở lại. “Cú sốc” Brexit là đòn mạnh giáng vào uy tín của EU khi mà để giữ chân Anh, EU từng chìa ra cả “chùm cà rốt” với hàng loạt nhượng bộ chưa từng có tiền lệ, kể cả một “quy chế đặc biệt”.

Bản thân các nhà lãnh đạo EU cũng tích cực thuyết phục cử tri Anh bằng cách nhấn mạnh lý lẽ của những người phản đối Brexit về “một thập kỷ bất ổn” cùng những số liệu thiệt hại và tổn thất khổng lồ để chứng tỏ rằng Anh sẽ mất mát rất lớn nếu không ở lại “ngôi nhà chung”.

Việc đa số cử tri Anh rốt cuộc vẫn chọn con đường “dứt áo ra đi” cho thấy một thực tế rằng “ngôi nhà chung” không còn đủ sức hấp dẫn, và điều đáng nói hơn là nhiều người dân Anh không thấy lợi ích của họ được bảo đảm khi là thành viên EU.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh khiến giới lãnh đạo EU không tránh khỏi lúng túng, thậm chí có phần bị động trong việc tìm hướng ứng phó với Brexit cũng như định hình tương lai của liên minh này sau khi không còn Anh. Trước mắt, Brexit đang khiến EU đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị và hỗn loạn tài chính.

“Đoàn kết” và “thống nhất” đang là cụm từ được các nhà lãnh đạo EU cũng như lãnh đạo các nước thành viên, đặc biệt là 2 quốc gia đầu tàu Đức và Pháp, nhắc tới nhiều nhất. Tuy nhiên, bầu không khí u ám cả về mặt kinh tế lẫn chính trị vẫn đang bao trùm lên EU.

Chưa thể loại trừ khả năng việc Anh rút khỏi EU sẽ làm lan tỏa hiệu ứng “domino” sang những nước thành viên khác, đồng thời làm gia tăng tâm lý hoài nghi EU đang nổi lên, khi hàng loạt chính đảng ở Đan Mạch, Pháp, Hà Lan đòi tổ chức trưng cầu dân ý tương tự về tương lai của nước mình trong EU.

Mặc dù chỉ một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU, gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg đã nhóm họp để thảo luận kế hoạch nhằm duy trì sự hợp tác và phát triển của EU, song kết quả chỉ là một tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Anh nhanh chóng tiến hành đàm phán về việc rời khỏi khối.

Nghị viện châu Âu (EP) cũng thông qua nghị quyết với yêu cầu tương tự, và đây cũng là nội dung được nhắc lại trong hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua. Ngoài ra, chưa có một kế hoạch “hậu Brexit” rõ ràng nào được EU đưa ra.

Các quốc gia thành viên EU vẫn chưa thống nhất được chiến lược chung sau Brexit nhằm thúc đẩy trở lại tiến trình xây dựng một châu Âu hợp nhất, đặc biệt trong bối cảnh hai trụ cột Đức và Pháp chưa đạt được thỏa thuận nào.

EU chỉ có thể yêu cầu Anh thể hiện một sự rõ ràng và dứt khoát trong kế hoạch rời “ngôi nhà chung”, tránh để liên minh rơi vào tình trạng “lấp lửng” và phải hứng chịu những bất ổn do Brexit gây ra, đồng thời để liên minh chỉ còn lại 27 nước này có thể tập trung cho tương lai của mình.

Tuy nhiên, ngay cả việc đẩy nhanh "tiến trình ly hôn" giữa hai bên cũng không phải là chuyện dễ dàng. Có vẻ viễn cảnh một nước nằm trong “nhóm thành viên kỳ cựu và cốt cán” chia tay liên minh là điều không thể ngờ tới, nên dù được quy định trong Điều 50 Hiệp ước Lisbon, song các thủ tục để một nước thành viên rời khỏi EU khá chung chung và mơ hồ.

Theo Điều 50, tiến trình pháp lý để Anh chính thức rời EU chỉ có thể được khởi động sau khi Anh thông báo quyết định này cho Hội đồng châu Âu. Nói cách khác, chỉ có nước thành viên có ý định rời khỏi liên minh mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức.

EU có thể hối thúc London sớm bắt đầu tiến trình đàm phán, song không được phép gây áp lực với Anh về vấn đề này. Còn nước Anh vẫn chờ người kế nhiệm Thủ tướng Cameron, và hiện chưa rõ đây sẽ là nhân vật ủng hộ hay phản đối Brexit.

"Cuộc chia tay không hẹn trước" với Anh trở thành một thách thức lớn với EU trong bối cảnh liên minh này đang phải gồng mình giải quyết hàng loạt vấn đề “nóng bỏng”, từ thách thức an ninh tới khủng hoảng người nhập cư.

Tuy nhiên, những bất cập tồn tại trong chính nội bộ EU, bao gồm cả sự chia rẽ giữa các thành viên, không chỉ là một trong những nguyên nhân đẩy nước Anh rời xa EU, mà còn khiến liên minh này khó phối hợp ứng phó với Brexit.

Ngay sau “cơn địa chấn” Brexit, tất cả những gì được các nhà lãnh đạo EU thể hiện trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua mới chỉ hạn chế ở mức đưa ra một tiếng nói chung mang tính biểu tượng chứ chưa hoạch định được bất kỳ bước đi nào hậu Brexit.

Tương lai của EU và mối quan hệ giữa liên minh này với Anh “hậu” Brexit vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng Brexit sẽ buộc EU phải tìm cách để lợi ích của liên minh gắn chặt với lợi ích của từng quốc gia thành viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục