EU, nước Anh và những hướng đi hậu Brexit (Phần I)

06:32' - 09/10/2016
BNEWS Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay Brexit, yêu cầu được đặt ra với khối này là phải tăng cường sự đoàn kết, củng cố lại sức mạnh và lấy lại niềm tin.
EU, nước Anh và những hướng đi hậu Brexit. Ảnh: betanews.com

Khi chọn việc đứng ngoài liên minh khu vực, Vương quốc Anh cũng sẽ gặp phải những khó khăn nếu muốn tham gia vào thị trường chung, nhất là khi nước này từ chối người lao động đến từ EU.

EU trong nỗ lực lấy lại niềm tin   

Sau sự kiện nước Anh rời EU, lãnh đạo của 27 nước thành viên còn lại của khối đã nhóm họp tại Slovakia mới đây để tìm giải pháp tiếp sinh lực cho một EU đang đuối sức, dù thừa nhận rằng có những chia rẽ sâu sắc trong khối về cuộc khủng hoảng di cư và nền kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức này nhằm mục đích khôi phục niềm tin của người dân vào EU, một liên minh mà trong nhiều thập niên đã mang đến hòa bình và thịnh vượng nhưng giờ đây đang đối mặt với vấn đề sinh tồn. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất về "Lộ trình Bratislava" và những cam kết hợp tác mới dự kiến sẽ được công bố vào tháng 3/2017, nhân dịp kỷ niệm 60 thành lập EU. 

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Francois Hollande sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định việc nước Anh rời EU đã khiến khối này rơi vào tình trạng lao đao, buộc các nhà lãnh đạo trong thời gian tới cần phải có một kế hoạch hành động để giải quyết các vấn đề như người nhập cư và an ninh biên giới vòng ngoài.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Đức và Pháp sẽ thể hiện mạnh mẽ vai trò của mình trong những tháng tới nhằm xây dựng một EU thành công và EU cần phải có sự đoàn kết và hợp tác hơn nữa, những giá trị đã được các nước sáng lập EU nhất trí vào năm 1957. Về phần mình, Tổng thống Pháp Hollande nhấn mạnh dù người Anh quyết định rời khỏi mái nhà chung EU, nhưng "Pháp và Đức sẽ tiếp tục hợp tác để có thể đưa ra các biện pháp cụ thể".  

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh Đức và Pháp sẽ thể hiện mạnh mẽ vai trò của họ trong những tháng tới nhằm xây dựng một EU đoàn kết. Ảnh: Reuters

Thủ tướng nước chủ nhà Robert Fico cho rằng hội nghị rất thành công vì EU tỏ rõ sự đoàn kết, bày tỏ sự vui mừng trước việc các nhà lãnh đạo EU đã cùng nhau vạch ra "Lộ trình Bratislava". Người đứng đầu Chính phủ Slovakia đánh giá hội nghị đã khôi phục sự ổn định và niềm hy vọng vào liên minh vốn bị "chấn động" bởi nhiều cuộc khủng hoảng.

Còn giới quan sát cho rằng hội nghị tuy không phải là chính thức song có vai trò quan trọng đối với việc xóa bỏ những tư tưởng hoài nghi trong liên minh, đồng thời giúp loại bỏ nguy cơ tiếp tục diễn ra các cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề rút khỏi hay ở lại EU.

Tuy vậy, bất đồng trong việc giải quyết dòng người nhập cư ồ ạt kéo vào châu Âu vẫn tiếp diễn và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố hội nghị thượng đỉnh lần này đã thất bại trong việc thay đổi các chính sách về người nhập cư của EU mà ông gọi là "tự hủy diệt và ngây thơ".

Ngoài ra, theo giới quan sát, hiện giữa các nước EU vẫn còn một số bất đồng, khi một số quốc gia muốn EU tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, còn một số khác lại nhấn mạnh vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.  

Nhiều năm khủng hoảng kinh tế đã làm gia tăng tình trạng thất nghiệp ở nhiều nước EU, trong khi những cuộc tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra và dòng người di cư kỷ lục đổ vào đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn và họ ngày càng ủng hộ các đảng phái theo chủ nghĩa dân túy, chống EU.

EU, một liên minh với 500 triệu dân, rơi vào thời kỳ khó khăn khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến hàng triệu người mất việc làm và các chính sách khắc khổ đã phạm vào tuyên bố của khối về sự bảo đảm một triển vọng kinh tế tốt đẹp hơn. Sự can thiệp của Nga ở Ukraine, cuộc khủng hoảng di cư và các cuộc tấn công đẫm máu của các phần tử cực đoan ở Pháp và Bỉ đã khiến người ta trở nên thiếu tin tưởng vào khả năng bảo vệ công dân của EU. 

Xem tiếp phần II

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục