EU thúc đẩy khai thác khoáng sản quan trọng ngay tại châu Âu

05:30' - 14/03/2023
BNEWS Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như kỹ thuật số hóa của nền kinh tế châu Âu sẽ không thể thành công nếu không có các nguyên liệu thô quan trọng.
Nguồn cung toàn cầu các nguyên liệu thô quan trọng hiện bị chi phối bởi Trung Quốc. Ảnh: AFP
Theo Tạp chí kinh tế Handelsblatt của Đức, quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như quá trình số hóa của nền kinh tế châu Âu sẽ không thể thành công nếu không có các nguyên liệu thô quan trọng.

Để đáp ứng nhu cầu nội khối, ngoài việc tích cực đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) còn muốn tăng cường khả năng tự cung tự cấp thông qua việc thúc đẩy khai thác các nguồn nguyên liệu này ngay tại châu Âu.

Tham vọng tự cung tự cấp

Handelsblatt cho biết, hiện Ủy ban châu Âu (EC) đang xây dựng dự thảo luật về nguồn nguyên liệu thô quan trọng nhằm mục đích đối phó với tình trạng "rủi ro về nguồn cung các nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình số hóa và chuyển đổi năng lượng ngày càng tăng".

Trong tương lai, các loại nguyên liệu thô quan trọng sẽ được khai thác nhiều hơn từ các mỏ khoáng sản tại các quốc gia thành viên EU và được xử lý ngay tại châu Âu. Theo dự thảo luật, 10% nhu cầu của châu Âu đối với "các nguyên liệu thô chiến lược" sẽ được khai thác ở EU trong tương lai. Ngoài ra, sẽ có thêm 15% nữa thu được thông qua việc tái chế.

Cho đến nay, EU đã phân loại gần 30 khoáng sản hoặc nhóm khoáng sản thuộc loại khoáng sản quan trọng, ví dụ kali, cobalt, lithium, vanadi, titani... Những nguyên liệu thô này không thể thiếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tới đây, danh sách này sẽ được bổ sung và cập nhật thường xuyên.

EU cũng muốn thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy tinh lọc để xử lý khoáng sản thô và hướng tới mục tiêu đáp ứng 40% nhu cầu của khối. Cho đến nay, việc tự sản xuất các nguyên liệu thô quan trọng hầu như nằm ngoài khả năng của EU. Để đạt được mục tiêu đề ra, EU muốn đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt dự án.

Hiện tại, thời gian từ khi khởi động dự án tới khi bắt đầu sản xuất có thể kéo dài tới 10 năm. Khoảng thời gian này được coi là quá dài và không thể đáp ứng yêu cầu hiện tại cũng như tương lai. Theo dự luật mới, quá trình phê duyệt dự án sẽ chỉ mất tối đa hai năm. Để đạt được điều này, việc rút ngắn quá trình đánh giá tác động môi trường của dự án cần được triển khai hết sức nhanh chóng. EC hy vọng các dự án đầu tiên sẽ được thực hiện sớm nhất vào năm 2030.

Theo Nghị sỹ Hildegard Bentele đặc trách vấn đề nguồn nguyên liệu thô quan trọng tại Nghị viện châu Âu, việc tập trung rút ngắn thủ tục và quy trình phê duyệt dự án là hết sức quan trọng. Đề xuất của EC về vấn đề này "mang tính xây dựng cao" và "rất tham vọng". Nhưng đề xuất này sẽ phụ thuộc nhiều vào các quốc gia thành viên EU.

Tại Berlin, đề xuất của EU về việc tăng cường khai thác nguồn nguyên liệu thô ngay tại châu Âu cũng như rút ngắn thời gian phê duyệt dự án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ. Theo Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Franziska Brantner, EU hoàn toàn có thể khai thác nguyên liệu thô bền vững ngay tại lục địa châu Âu, đồng thời tinh lọc các loại nguyên liệu này và tiến hành tái chế. Châu Âu sẽ cùng với các đối tác xây dựng chuỗi giá trị xanh trong tương lai.

Cho đến nay, EU gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung các nguyên liệu quan trọng từ nước ngoài. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), EU phải nhập khẩu 100% nhu cầu đối với 14 trong số 27 nguyên liệu thô quan trọng. Số liệu này tương tự số liệu do EC thống kê. Nguồn cung toàn cầu các nguyên liệu thô quan trọng hiện bị chi phối bởi Trung Quốc.

Theo Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ EU ông Thierry Breton, châu Âu không thể tiếp tục phụ thuộc như vậy. Cuộc xung đột tại Ukraine cho thấy rõ ràng rằng các quốc gia như Nga hay Trung Quốc có thể sử dụng nguyên liệu thô làm đòn bẩy chính trị. Giới lãnh đạo Nga đã cố gắng đe dọa châu Âu bằng lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên và nguy cơ gián đoạn nguồn cung đã tăng lên trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu về khoáng sản quan trọng cũng đang tăng lên rất nhanh. EC dự kiến nhu cầu lithium vào năm 2050 sẽ cao hơn 57 lần so với trước. Hiện, khoảng 60% đến 70% lượng tiêu thụ lithium toàn cầu được cung cấp bởi Trung Quốc, với nguồn lithium thô được khai thác từ Mỹ Latinh và chuyển đến xử lý trong các nhà máy tinh lọc tại Trung Quốc.

Lithium là nguyên liệu thô rất quan trọng cho các loại pin thế hệ mới và do đó rất quan trọng đối với sự thành công của ngành ô tô điện. Tương tự, đất hiếm cũng là một trong những nguyên liệu hết sức quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm công nghệ thông tin như điện thoại thông minh, máy tính bảng, cũng như trong các tuabin điện gió hiện đại.

Cho đến nay, cũng như lithium, phần lớn nhu cầu đất hiếm được đáp ứng bởi Trung Quốc. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen từng khẳng định lithium và đất hiếm sẽ sớm trở nên quan trọng hơn dầu mỏ và khí đốt. Bà cho rằng nhu cầu của châu Âu về đất hiếm sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030 so với hiện tại.

Trong dự luật về nguồn nguyên liệu thô đang được xây dựng, EC nhắc nhở rằng năm 2021, Trung Quốc đã cắt nguồn cung cấp magie cho EU. Thời điểm đó, EU gần như hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu magie từ Trung Quốc.

Những sáng kiến

Tuy nhiên, việc khai thác nguyên liệu thô từ các mỏ ở châu Âu vẫn gây tranh cãi. Dự án khai thác một mỏ lithium ở Serbia là một ví dụ. Do các cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ, Chính phủ Serbia phải rút giấy phép khai thác đã cấp cho tập đoàn Rio Tinto. Hiện dự án này đang trong tình trạng "bị treo".

Để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô, EU sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Mới đây, Liên minh nguyên liệu thô châu Âu (Erma), một sáng kiến do EU đồng tài trợ để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô chiến lược, đã công bố kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc khai thác một mỏ phosphat ở Na Uy của công ty Norge Mining.

Theo ông Michael Wurmser, đại diện công ty Norge Mining, EU đã cam kết tài trợ hàng tỷ euro để tăng tốc độ xây dựng mỏ này. Điều này sẽ góp phần đáng kể trong việc đảm bảo sự độc lập của EU đối với Trung Quốc trong vấn đề nguyên liệu thô chiến lược.

Phosphat được sử dụng trong sản xuất phân bón và cả trong sản xuất pin cho xe điện. Do đó, EU đã đưa phosphat vào danh sách các nguyên liệu thô quan trọng. Qua các cuộc thăm dò, công ty Norge Mining ước tính mỏ quặng này có thể chứa tới 70 tỷ tấn phosphat. Nếu ước tính này là chính xác, đây sẽ là mỏ phosphat lớn nhất thế giới được biết đến cho tới nay.

Ngoài phosphat, công ty Norge Mining cũng đã xác định được một lượng đáng kể vanadi và titani trong khu vực. Hai nguyên liệu thô này đều nằm trong danh sách các nguyên liệu thô quan trọng của EU.

Vanadi có thể được sử dụng để lưu trữ năng lượng ở quy mô công nghiệp, ví dụ như lưu trữ năng lượng dư thừa từ các nhà máy điện gió và điện Mặt Trời, trong khi titani rất cần thiết để tăng cường độ cứng của thép và được ứng dụng trong nhiều ngành như trong chế tạo máy bay hay trong ngành công nghiệp quốc phòng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục