EU và khả năng ứng phó với khủng hoảng năng lượng

05:30' - 24/11/2023
BNEWS Năng lực quản lý khủng hoảng hiện tại của EU đã vượt trội hơn nhiều. Mỗi quốc gia thành viên đang đảm bảo dự trữ lượng dầu tương đương 90 ngày nhập khẩu dầu ròng.

 

Bài viết vừa đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy) của tác giả Stefano Grassi, Chánh Văn phòng Cao ủy về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), đề cập đến những điểm tương đồng và khác biệt của thị trường năng lượng ở tình hình hiện tại so với năm 1973.

Các so sánh cho thấy năng lực ứng phó với khủng hoảng năng lượng của EU đã được nâng cao.

Cuộc xung đột Israel-Hamas đã gợi lại ký ức về cuộc chiến Yom Kippur và cú sốc năng lượng sau lệnh cấm vận do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp dụng vào ngày 16/10/1973 đối với nguồn cung dầu dành cho Mỹ và châu Âu - các bên hỗ trợ Israel.

Câu hỏi đặt ra là liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng nữa hay không? Các chuyên gia cho rằng nguy cơ xảy ra khủng hoảng là rất lớn, song tình hình hiện tại có những điểm tương đồng và khác biệt so với hồi năm 1973.

 
Trung Đông vẫn là một địa chỉ chiến lược trong hệ thống cung ứng của EU. 1/3 thương mại dầu mỏ toàn cầu đi qua eo biển Hormuz. Căng thẳng ở Gaza cũng tạo ra sự không chắc chắn về triển vọng của Bản ghi nhớ về Hợp tác Năng lượng giữa Israel, Ai Cập và EU, được ký kết vào tháng 7/2022.

Ai Cập đã xuất khẩu 4,2 tỷ mét khối (bcm) khí tự nhiên hóa lỏng sang EU vào năm ngoái nhờ nhập khẩu khí đốt từ các nhà máy ở Tamar của Israel.

Giống như năm 1973, một cuộc khủng hoảng địa chính trị hiện nay sẽ ảnh hưởng đến các thị trường đang căng thẳng. Lần này, căng thẳng không xuất phát từ nhu cầu dầu ngày càng tăng nhanh mà từ quyết định duy trì cắt giảm sản lượng OPEC+.

Các thị trường đã chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của châu Âu đối với nhập khẩu dầu từ Nga và trần giới hạn giá dầu của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), nhưng việc phong tỏa eo biển Hormuz hoặc một cuộc khủng hoảng với vai trò thúc đẩy của Iran, quốc gia có khối lượng xuất khẩu dầu ngày càng tăng, có thể sẽ không gây tác động lập tức.

Dầu vẫn là yếu tố then chốt cho vận tải và thương mại quốc tế, cũng như cho hoạt động của chuỗi cung ứng. Trong một hệ thống năng lượng, nơi thị trường tài chính đóng vai trò ngày càng tăng thì hiệu ứng lan truyền của một cuộc khủng hoảng sẽ rất đáng kể.

Tuy nhiên, dầu hiện chỉ chiếm 31% hỗn hợp năng lượng của châu Âu so với mức 61% vào năm 1973. Khoảng 2/3 lượng xuất khẩu từ vùng Vịnh đang hướng tới thị trường châu Á. Thị trường dầu mỏ đã trở nên rộng lớn hơn nhiều, với sự đa dạng của các quốc gia cung cấp và vai trò chủ chốt của Mỹ.

Năng lực quản lý khủng hoảng hiện tại của EU cũng đã vượt trội hơn nhiều. Mỗi quốc gia thành viên đang đảm bảo dự trữ lượng dầu tương đương 90 ngày nhập khẩu dầu ròng. So với năm 1973, thời điểm mà các chính sách năng lượng chỉ mang tính quốc gia, EU hiện đã tự trang bị các giải pháp phối hợp được thiết lập tốt, với các thị trường có mức độ hội nhập sâu và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ xuyên biên giới.

Hợp tác quốc tế ngày nay đã được tăng cường nhờ vai trò của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA), được thành lập nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng từ năm 1973. Tóm lại, nguy cơ xảy ra cú sốc từ chiều hướng khu vực hóa cuộc khủng hoảng Dải Gaza có thể gây ra là không nhỏ, song EU đang nắm giữ vị thế tốt hơn để giảm thiểu các tác động của hiện tượng này.

Tuy nhiên, cũng nên nhìn lại những bài học mà cuộc khủng hoảng vào năm 1973 đã mang lại. Trước hết, khủng hoảng năng lượng chỉ có thể vượt qua bằng sự đoàn kết. Vào năm 1973, các quốc gia thành viên đã phản ứng nhưng không tuân theo một trình tự cụ thể, mỗi quốc gia đều cố gắng đảm bảo nguồn cung dầu cần thiết trong khi gây bất lợi cho các quốc gia khác. Kết quả là giá cả trên thị trường châu Âu tăng 400%.

Ngày nay, với chương trình RepowerEU (một đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030), EU đã thể hiện được phản ứng thống nhất trước hành động đe dọa về năng lượng của Nga. Đoàn kết là chìa khóa cho khả năng phục hồi của châu Âu và cần phải được duy trì.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng năm 1973 đánh dấu sự khởi đầu của các chính sách thắt lưng buộc bụng về năng lượng, từ những “Ngày Chủ nhật không ô tô” cho đến việc sử dụng các bóng đèn hiệu quả hơn. Ngày nay, hiệu quả năng lượng vẫn là mục tiêu then chốt để kiềm chế nhu cầu sử dụng năng lượng.

Thứ ba, các cuộc khủng hoảng trước hết dẫn đến việc tăng cường sử dụng các công nghệ sẵn có, nhưng sau đó sẽ mở đường cho nhu cầu đổi mới.

Từ năm 1973, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch thay thế tăng lên, rồi sự mở rộng của công nghệ hạt nhân cũng bắt đầu được thúc đẩy. Cùng với đó, Đan Mạch đã khởi xướng các dự án điện gió ngoài khơi, tạo cơ sở cho thành công về công nghệ trên toàn cầu. Ngày nay, bối cảnh khủng hoảng Ukraine đang là yếu tố quan trọng để EU phải quyết tâm theo đuổi các công nghệ xanh.

Năm 2022 đánh dấu mức tăng kỷ lục về điện gió, điện Mặt Trời, ô tô điện và bình nóng năng lượng Mặt Trời. Bên cạnh đó, EU cũng phải đẩy nhanh tiến trình sử dụng hydro xanh, các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến (SMR), năng lượng đại dương.

EU sẽ cần tất cả các công nghệ sẵn có để đảm bảo đạt được các mục tiêu trong tầm nhìn 2050.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục