EU xem xét thành lập cơ quan chống rửa tiền của châu Âu

08:17' - 23/07/2021
BNEWS Theo Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, các quy tắc của châu Âu về chống rửa tiền là một trong những quy tắc nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/7 cho biết hiện đang xem xét việc thành lập một cơ quan chống rửa tiền như một phần của các đề xuất lập pháp nhằm chống/ngăn chặn các hoạt động tài trợ khủng bố một cách hiệu quả hơn, sau một số vụ bê bối liên quan đến các ngân hàng châu Âu.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên minh châu Âu (EU), tổ chức mới này sẽ chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc giám sát và điều phối các cơ quan chức năng quốc gia. Mục đích là để cải thiện việc phát hiện các giao dịch và hoạt động đáng ngờ, đồng thời “lấp” các kẽ hở được tội phạm sử dụng.

Cơ quan mới dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2024 và sẽ sử dụng khoảng 250 nhân viên.

Theo Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, các quy tắc của châu Âu về chống rửa tiền là một trong những quy tắc nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Hiện nay, chúng cần được áp dụng một cách nhất quán và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả.

Dự án thành lập cơ quan chống rửa tiền của châu Âu đã được công bố cách đây một năm, sau một số bê bối, trong số đó, có vụ liên quan đến Ngân hàng Danske (Đan Mạch) trong thương vụ rửa tiền trị giá khoảng 200 tỷ euro từ năm 2007 đến 2015 thông qua công ty con ở Estonia.

Ngân hàng lớn thứ ba của Lithuania là ABLV đã bị đóng cửa vào năm 2018 sau khi bị cáo buộc rửa tiền cho các khách hàng Nga và vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Tháng trước, các văn phòng của Nordea tại Đan Mạch đã bị khám xét liên quan đến một cuộc điều tra rửa tiền.

Theo Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), các hoạt động tài chính đáng ngờ chiếm khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội của EU, tương đương khoảng 130 tỷ euro.

Ủy viên EU phụ trách dịch vụ tài chính Âu Mairead McGuinness nhấn mạnh không thể đánh giá thấp quy mô của vấn đề và phải lấp đầy những kẽ hở mà tội phạm có thể khai thác. Theo bà, chỉ cần các quốc gia thành viên làm những việc riêng lẻ thì bắt buộc phải có sự giám sát và phối hợp tích cực.

Ngoài thẩm quyền mới, EC mới đây cũng đề xuất hài hòa các quy tắc tài chính ở EU, chẳng hạn như yêu cầu các ngân hàng nắm rõ khách hàng của họ hoặc xác định chủ sở hữu tài sản đằng sau các thỏa thuận tài chính không rõ ràng.

Đặc biệt, các sổ đăng ký của ngân hàng quốc gia nên được kết nối với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc điều tra quốc tế.

Ngoài ra, việc áp dụng các quy tắc chống rửa tiền sẽ được mở rộng cho toàn bộ lĩnh vực tiền điện tử nhằm đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc của các giao dịch tài chính bằng bitcoin.

Brussels cũng muốn đưa ra giới hạn 10.000 euro đối với các khoản thanh toán bằng tiền mặt trong EU. Ở một số nước thành viên, không có giới hạn thanh toán bằng tiền mặt, điều này tạo điều kiện cho các thương vụ rửa tiền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục