Eurozone trước sức ép cải tổ

06:30' - 18/06/2017
BNEWS Ủy ban châu Âu (EC) đang cần phải gấp rút hoàn thành công cuộc cải tổ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trước khi một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo có nguy cơ xảy ra.
EC mới đây công bố nhiều đề xuất nhằm củng cố liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu. Ảnh: AFP

Đồng euro đã đứng vững trong cuộc khủng hoảng 2010-2012, song ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng đến các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung vẫn còn đó.

Có thể kể đến như tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, chính sách thắt lưng buộc bụng chưa từng có tại các nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, CH Cyprus và cả Tây Ban Nha để đổi lại sự trợ giúp tài chính từ bên ngoài.

Mới đây, EC công bố một tài liệu dài 48 trang với nội dung gồm những đề xuất nhằm củng cố liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu vào thời điểm xảy ra những sự kiện như nước Anh tiến hành quá trình rời khỏi EU (Brexit), chủ nghĩa cô lập của Mỹ, các mối đe dọa đến từ Nga và gần đây nhất là việc ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp. EC dự kiến tài liệu sẽ được thông qua trong khoảng thời gian từ 2019-2025.

Vấn đề được EC đặt lên hàng đầu trong số các đề xuất là thành lập liên minh ngân hàng và điều này cần được thông qua từ nay đến năm 2019 để tháo gỡ mối liên hệ giữa nợ ngân hàng với lĩnh vực tài chính công, đối tượng phải gánh hậu quả các khoản thua lỗ của các ngân hàng.

Theo đề xuất của EC, kể từ nay các định chế ngân hàng lớn sẽ phải được đặt dưới sự giám sát thống nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với thứ tự về trách nhiệm khi một ngân hàng phá sản được cụ thể hóa như sau: cổ đông, chủ nợ, người gửi tiền và cuối cùng mới là người đóng thuế.

Tuy nhiên, nội dung quan trọng này vẫn chưa thể được áp dụng vì Đức phản đối. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ cơ chế ngân hàng bảo hiểm tiền gửi (với mức 100.000 euro bảo hiểm cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản) và hậu thuẫn ngân sách cho Quỹ Giải pháp Duy nhất (FRU) nhằm tài trợ cho hoạt động tái cơ cấu ngân hàng.

Giải pháp này hiện mới chỉ được áp dụng duy nhất trong lĩnh vực ngân hàng, và EC cho là không đủ trong trường hợp khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra.

EC cũng kiên định ủng hộ Cơ chế Bình ổn châu Âu (MES), quỹ này có khả năng cho vay tới 700 tỷ euro và chịu trách nhiệm giúp đỡ các nước dễ bị tác động của thị trường. Do đó MES có thể giúp đảm bảo tính tin cậy của FRU trong thời điểm hiện nay, giúp mang lại niềm tin cho thị trường đang thiếu sinh khí.

Sau khi Anh quyết định ra đi, EU nhận ra việc cần khẩn cấp xây dựng một liên minh thị trường vốn trong khu vực Eurozone để các chủ thể kinh tế tìm tài trợ trên thị trường vốn dễ dàng hơn thay vì phải viện đến các khoản vay từ ngân hàng (thường là rất khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng).

Liên quan đến vấn đề ngân sách của khu vực đồng euro, EC ủng hộ tạo điều kiện cho việc thành lập từ nay đến 2025 "cơ chế ngân sách Eurozone", được tài trợ từ các nguồn thu ổn định (ví dụ một phần từ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế VAT), và bao gồm ba chức năng chính.

Eurozone đứng trước sức ép cải tổ. Ảnh minh họa: TTXVN

Thứ nhất, đảm bảo giữ vững đầu tư công trong trường hợp tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thứ hai là lấp đầy "quỹ tái bảo hiểm" của các nước thành viên về bảo hiểm thất nghiệp nhằm chia sẻ gánh nặng với ngân sách trong trường hợp khủng hoảng, và cuối cùng là đóng vai trò như một quỹ hỗ trợ cho các chính phủ khi xảy ra những cú sốc bất đối xứng giữa các nước.

"Cơ chế ngân sách châu Âu" cũng cho phép Eurozone sở hữu một công cụ tương đương như trái phiếu kho bạc Mỹ, một loại tài sản không rủi ro ở cấp độ châu Âu. Ngân sách hiện nay cho 27 nước sẽ được giữ vững, nhưng việc rót tiền từ quỹ khu vực vào các nước thuộc Eurozone sẽ phải đi kèm với điều kiện về tôn trọng các cam kết về chính sách kinh tế.

Hiện tại, EC thừa nhận còn tồn tại một số vấn đề trên cấp độ Hội đồng bộ trưởng tài chính của 28 nước, cơ quan duy nhất được trao quyền thông qua các văn bản mang tính bắt buộc ngay cả khi các văn bản này chỉ liên quan đến Eurozone. Như vậy nhóm Eurogroup gồm 19 nước thực tế lại không có quyền lực tư pháp.

Mặt khác, các nền kinh tế lớn cũng không có được tiếng nói quyết định. Hiện mỗi nước thành viên có duy nhất một ghế ủy viên tại ủy ban, điều này có nghĩa là ba nền kinh tế hàng đầu của Eurozone là Đức, Pháp và Italy chiếm 75% quy mô kinh tế khu vực nhưng cũng chỉ có 3 đại diện trên tổng số 28, trong khi thể lệ bỏ phiếu tại ủy ban này áp dụng phương thức quá bán thông thường.

Trước thực trạng này, EC ủng hộ việc đến năm 2025 sẽ lập ra vị trí bộ trưởng tài chính Eurozone và sáp nhập các chức năng của chủ tịch Eurogoup và ủy viên các vấn đề kinh tế và tiền tệ. Người đảm nhận cương vị bộ trưởng tài chính sẽ đại diện cho Eurozone tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cũng theo đề xuất của EC, Eurozone sẽ lập ra một cơ quan mới là Cục ngân khố. Cục này chịu trách nhiệm giám sát tài chính và ngân sách của các nước thành viên, vai trò mà EC hiện đang đảm nhiệm, đồng thời cũng sẽ chịu trách nhiệm ấn định tỷ lệ nợ công và quản lý Quỹ Bình ổn châu Âu, dưới chỉ đạo của Eurogroup.

EC đồng ý đưa ra ý tưởng thành lập một quỹ tiền tệ châu Âu (sát nhập Quỹ Bình ổn châu Âu), một ý tưởng vốn xuất phát từ đề nghị của Đức, để có thể định hình lại quyền tự chủ của các quốc gia trong vấn đề nợ.

Căn cứ các nội dung đề xuất của EC, có vẻ vẫn tồn tại một khoảng trống lớn khi gần như không có một từ nào đề cập đến việc đảm bảo tính dân chủ của khu vực Eurozone. Hiện nay, cả EC và Eurogroup đều không có ý tưởng về thành lập một quốc hội được bầu một cách dân chủ.

Brussels nhất trí duy nhất một điều rằng phải tăng cường trách nhiệm dân chủ bằng cách đối thoại nhiều hơn nữa với Nghị viện châu Âu, nhưng là "đối thoại" chứ tất nhiên không phải là "quyết định". Theo các nhà phân tích, thực trạng này cho thấy trong khu vực Eurozone vẫn tồn tại những điểm tối đáng lo ngại, nhất là về pháp lý.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục