G7 xem xét tái phân bổ 100 tỷ USD từ SDR để giúp các nước nghèo

09:27' - 12/06/2021
BNEWS Văn phòng Tổng thống Mỹ cho biết, Mỹ và các đối tác G7 đang tích cực xem xét một nỗ lực toàn cầu nhằm nhân rộng tác dụng của việc phân bổ SDR tới các quốc gia cần nhất.

Ngày 11/6, Nhà Trắng cho biết Mỹ và Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang xem xét tái phân bổ 100 tỷ USD từ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - một ngân quỹ nội bộ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng- nhằm giúp các quốc gia đang gặp khó khăn nhất ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Vấn đề trên sẽ được đặt ra khi các nhà lãnh đạo G7 thảo luận về cách thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế thế giới khỏi đại dịch COVID-19 tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày ở Cornwall, miền Tây Nam nước Anh, bắt đầu vào ngày 11/6.

Văn phòng Tổng thống Mỹ cho biết, Mỹ và các đối tác G7 đang tích cực xem xét một nỗ lực toàn cầu nhằm nhân rộng tác dụng của việc phân bổ SDR tới các quốc gia cần nhất.

Với quy mô tiềm năng lên tới 100 tỷ USD, nỗ lực được đề xuất sẽ hỗ trợ hơn nữa các nhu cầu về y tế - bao gồm cả tiêm chủng - và giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế một cách “xanh” hơn, mạnh mẽ hơn ở các quốc gia dễ bị tổn thương, đồng thời đẩy mạnh quá trình phục hồi toàn cầu một cách cân bằng, bền vững và toàn diện hơn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/6 đã kêu gọi các quốc gia G7 khác tìm một thỏa thuận về việc tái phân bổ 100 tỷ USD từ SDR cho các quốc gia châu Phi.

Các nhà lãnh đạo tài chính thế giới vào tháng 4/2021 đã đồng ý sớm thực hiện việc phân bổ SDR trị giá 650 tỷ USD vào ngay cuối tháng Tám này và gia hạn chương trình giãn nợ để giúp các nước đang phát triển đối phó với đại dịch, mặc dù chỉ có 34 tỷ USD được phân bổ cho châu Phi.

Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 này, lãnh đạo các nước G7 dự kiến sẽ công bố cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa dịch COVID-19 cho các nước đang phát triển, như là một phần trong mục tiêu “tiêm chủng cho thế giới” vào cuối năm 2022.

Cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine COVID-19 được đưa ra nhằm giải quyết những chỉ trích cho rằng các chính phủ các nước phương Tây đã chiếm phần lớn lượng vaccine COVID-19 trên thế giới, trong khi các nước đang phát triển phải vật lộn với nguồn cung.

Trước đó, ngày 10/6, sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh Anh-Mỹ trước thềm Hội nghị, Tổng thổng Mỹ cũng đã công bố cam kết mua tài trợ 500 triệu liều vaccine do hãng Pfizer/BioNTech sản xuất.

Trong số 500 triệu liều này, 200 triệu liều đầu tiên sẽ được cung cấp ngay trong năm nay và phần còn lại sẽ cung cấp trong nửa đầu năm 2022.

Ngay sau đó, Thủ tướng Anh cũng tuyên bố tài trợ 100 triệu liều vaccine COVID-19 từ lượng vaccine dư thừa của nước này, trong đó 5 triệu liều sẽ được cung cấp ngay trong những tuần tới.

80% lượng vaccine tài trợ của Anh sẽ được chuyển qua chương trình COVAX và 20% còn lại sẽ thông qua chương trình hợp tác song phương giữa Anh và các nước.

Ngoài ra, EU đã cam kết riêng 100 triệu liều cho các nước châu Phi và các nước đang phát triển khác vào cuối năm nay./.

>>Hội nghị thượng đỉnh G7 thảo luận nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục