Gần 40.000 công ty bán lẻ của Anh rơi vào “túng quẫn nghiêm trọng”

12:08' - 22/12/2020
BNEWS Các cửa hàng bán lẻ ở Anh mới trở lại hoạt động không lâu trước khi chính phủ yêu cầu các cửa hàng không thiết yếu ở Đông Nam nước này đóng cửa một lần nữa vào Chủ nhật vừa qua.

Theo một cuộc khảo sát của công ty tài chính Begbies Traynor Group Plc, gần 40.000 công ty bán lẻ của nước Anh - cả bán hàng trực tuyến và truyền thống - đang lâm vào tình trạng “túng quẫn nghiêm trọng”, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái giữa lúc các nhà bán lẻ vật lộn với tác động ngày càng tăng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2.

Các cửa hàng bán lẻ ở Anh mới trở lại hoạt động không lâu trước khi chính phủ yêu cầu các cửa hàng không thiết yếu ở Đông Nam nước này đóng cửa một lần nữa vào Chủ nhật vừa qua (20/12), nhằm ngăn chặn một biến thể virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn.

Việc cưỡng chế đóng cửa trong thời gian sắp tới Giáng sinh và chưa đầy hai tuần trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit - chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - có thể đẩy một số công ty vào phá sản.

Bà Helen Dickinson, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) cho biết đối mặt với viễn cảnh doanh thu phải chịu thiệt hại khoảng 2 tỷ bảng (2,7 tỷ USD) mỗi tuần tới lần thứ ba trong năm nay, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng và tạo rủi ro cho hàng ngàn lao động.

Ngay cả những công ty “có vẻ ổn hơn” cũng không tránh được thiệt hại. Hôm thứ Hai, Frasers Group Plc, công ty sở hữu thương hiệu Sports Direct và đang đàm phán để cứu một phần hoạt động kinh doanh của Debenhams, cho biết họ không còn có thể cam kết duy trì lợi nhuận tăng trưởng 20-30% trong năm nay như dự báo 10 ngày trước đó.

Lí do là nhiều cửa hàng phải đóng cửa vào thời gian giao dịch lên cao điểm, trong khi Chính phủ có thể tiếp tục triển khai các biện pháp đóng cửa trên toàn quốc vào những tháng tiếp theo.

Các nhà bán lẻ đang kêu gọi Chính phủ Anh đưa ra thêm những biện pháp hỗ trợ tài chính mới để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Tình hình đang tồi tệ hơn do tình trạng hỗn loạn tại các cảng của nước Anh sau khi một số nước EU tạm thời đóng cửa biên giới với nước này.

Ông Julian Dunkerton, Giám đốc điều hành của công ty dệt may Superdry Plc, cho biết các khu vực thương mại trung tâm của nước Anh sẽ phải đối mặt với một tương lai "ảm đạm" nếu không có sự trợ giúp từ Chính phủ.

Ông kêu gọi London cần phải khẩn cấp hành động, tiến hành các biện pháp như giảm thuế giá trị gia tăng mà người mua hàng phải trả cho một số mặt hàng nhất định để hỗ trợ các công ty bán lẻ trong giai đoạn chật vật này.

Năm 2020, nước Anh đã chứng kiến sự sụp đổ của một số chuỗi bán lẻ nổi tiếng, đặc biệt là nhà điều hành chuỗi bách hóa Debenhams và Arcadia Group Ltd..

Cả hai công ty đã phải vật lộn trong một thời gian khá dài, bị đè nặng bởi chi phí đắt đỏ cho các cửa hàng khi họ cố gắng cạnh tranh với các công ty chuyên về bán lẻ trực tuyến. Theo giới quan sát, đại dịch COVID-19 chỉ đẩy nhanh sự sụp đổ của những công ty này./.

>>Doanh số bán lẻ trực tuyến của Pháp có thể tăng 6% trong năm 2020

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục