Gắn trách nhiệm đại diện chủ sở hữu trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

16:54' - 30/07/2021
BNEWS Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 6/2021, đã có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), để đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cần có thông điệp để nhắc nhở lại lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu tích cực đẩy mạnh tiến độ cơ cấu; trong đó, hình thức cổ phần hóa và thoái vốn là một giải pháp.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Tới đây, định hướng và quan điểm ban hành đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cũng sẽ theo hướng phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; giao cho họ tự đề xuất, tự đăng ký, lựa chọn thời điểm thích hợp, lựa chọn lĩnh vực cơ cấu và hướng đi. Sau đó, đăng ký với Chính phủ, với các bộ, ngành để thực hiện.

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, hướng đi này của Chính phủ là rất tích cực, phù hợp với xu thế hiện nay và đúng định hướng không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp; để doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu, gắn với nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đảm bảo đúng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.

Từ đó, doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt mở đường cho các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19 thì vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong những tháng đầu năm, Bộ đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng.

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 6/2021, đã có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Tuy nhiên, trong 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, mới chỉ đạt 30% kế hoạch, còn số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 6 tháng còn lại năm 2021 là 89 doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến cho hay, cổ phần hóa những tháng qua chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật quản lý tài sản công về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý.

Đa số doanh nghiệp nhà nước chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Các tồn tại, vướng mắc về tài chính trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp cũng chưa được xử lý triệt để gây khó khăn, chậm trễ cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Các doanh nghiệp chưa thực hiện cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vây, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao, khó hấp dẫn nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Ngoài ra, nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp về việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán còn chưa đúng, chưa đầy đủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục