Gánh nặng lãi suất đối với các nước đang phát triển

09:09' - 13/06/2024
BNEWS Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển dự kiến phải trả mức lãi cao kỷ lục, tương đương hơn 150 tỷ USD/năm, cho các khoản nợ nước ngoài trong hai năm 2023 và 2024.
Điều này làm dấy lên lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với kinh tế toàn cầu.

Con số này chiếm khoảng 1/3 trong tổng số nợ gốc hơn 480 tỷ USD mà các quốc gia này dự kiến phải hoàn trả trong năm 2024. Tổng nợ nước ngoài do các nước đang phát triển nắm giữ, bao gồm các quốc gia có thu nhập trung bình cao như Thái Lan và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Ấn Độ và Bangladesh, đã giảm khoảng 3% xuống còn 8.970 tỷ USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, môi trường lãi suất cao hơn trên toàn thế giới đã làm tăng thêm gánh nặng nợ nần. 75 quốc gia có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề. Họ phải gánh chi phí trả nợ kỷ lục 88,9 tỷ USD vào năm 2022, trong đó có 23,6 tỷ USD tiền lãi. Chi phí trả nợ của họ dự kiến tăng khoảng 50% vào năm 2023 lên 137,7 tỷ USD và sẽ duy trì ở mức cao 122,9 tỷ USD trong năm 2024.

 
Kinh tế các nước mới nổi và đang phát triển trên thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2024, chậm hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình trong thập kỷ qua. Ngân hàng Thế giới cảnh báo lạm phát và lãi suất cao đang đè nặng lên hoạt động kinh tế. Điều này cũng gây ra rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, xu hướng tăng tốc nhẹ ở các nền kinh tế tiên tiến bù đắp cho sự suy giảm nhẹ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Ngân hàng Thế giới đặt mục tiêu hỗ trợ các nước có thu nhập thấp thông qua chương trình Hiệp hội Phát triển Quốc tế. Hiện, ngân hàng đang đàm phán với các nước tài trợ về việc bổ sung nguồn lực cho chương trình vào tháng 12 tới.

Ông Akihiko Nishio, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách tài chính phát triển cho biết: “Chúng tôi muốn vượt qua mức 93 tỷ USD từng đạt được hồi cuối năm 2021”. Theo ông, mục tiêu là huy động 105 tỷ USD”.

Phó Chủ tịch Nishio cho rằng việc nâng cao tính minh bạch là chìa khóa để giải quyết nợ của các nước đang phát triển. Rất khó để đàm phán về việc gia hạn và các hình thức tái cơ cấu khác nếu không có bức tranh rõ ràng về người cho vay và các điều kiện liên quan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục