Giá cả năng lượng tăng: 5 câu hỏi cho một vấn đề toàn cầu

15:51' - 09/10/2021
BNEWS Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra và lạm phát gia tăng đang khiến cả các chính phủ và hộ gia đình ngày càng lo ngại do ngân sách chi tiêu bị ảnh hưởng.

Ngoài thực phẩm là mặt hàng liên tục phá các mức giá cao kỷ lục trong những tháng gần đây, năng lượng cũng không thoát khỏi cơn lốc tăng giá hiện nay.

Giá nhiên liệu, khí đốt và điện đang chứng kiến sự leo thang đến chóng mặt. Điều này càng làm gia tăng áp lực lạm phát ở một số quốc gia. Các chính phủ, đặc biệt là ở châu Âu, hứa sẽ hành động để hạn chế tác động đến ngân sách của các gia đình. Nhật báo Les Echos đã đăng bài viết tạo nên một bức tranh toàn cảnh của thị trường nhiên liệu, cũng như triển vọng giá năng lượng thế giới.

* Lý do nào khiến giá năng lượng tăng?

“Làn sóng” tăng giá nhiên liệu khởi đầu từ giá dầu thế giới. Ngày 5/10, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2018, giá một thùng dầu Brent đã vượt ngưỡng 80 USD trong khi giá dầu WTI của Mỹ đã tăng lên 76 USD/thùng. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều đã tăng giá hơn 50% so với ngày 1/1/2021.

Sự phục hồi kinh tế nhờ nỗ lực triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cũng như nguồn cung dầu vẫn còn hạn chế là nguyên nhân giải thích cho xu hướng tăng giá này. Thêm vào đó giá dầu thô cũng bị kéo lên do nguồn cung khí đốt thắt chặt khiến các nhà sản xuất chuyển sang dùng dầu thô để sản xuất điện.

Đối với khí đốt, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Pháp (CRE) cho biết có nhiều yếu tố để giải thích lý do tăng giá. Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu lớn của khu vực châu Á đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khối lượng dự trữ ở châu Âu thấp trong khi Na Uy và Nga không có khả năng tăng lượng giao hàng. Kết quả là giá khí đốt tăng vọt trong khi mùa Đông đang đến gần.

Điện cũng tăng theo do cơ chế xác định giá thị trường điện ở châu Âu liên quan trực tiếp đến sự biến động của giá khí đốt và giá cho phép phát thải CO2.

* Quốc gia nào bị ảnh hưởng?

Giá nhiên liệu tăng là hiện tượng mang tính toàn cầu và ảnh hưởng đến hầu hết các nước, chỉ khác về mức độ. Tại Mỹ, giá khí đốt đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm. Châu Á và châu Mỹ Latinh cũng đang lo ngại về xu hướng này.

Còn ở châu Âu, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Italy là các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất do phụ thuộc vào khí đốt để sản xuất điện. Tại Trung Quốc, việc cắt điện liên tục cũng buộc các nhà máy phải đóng cửa.

Pháp là một quốc gia không có tài nguyên khí đốt trên lãnh thổ của mình và phải nhập khẩu đến 99% lượng khí đốt tự nhiên tiêu dùng. Do đó nước này cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến động giá cả trên thị trường châu Âu và thế giới. Mặc dù có tiềm lực rất mạnh về điện hạt nhân, Pháp vẫn không tránh khỏi việc tăng giá điện do cơ chế định giá của châu Âu.

* Tác động gì đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình?

Giá khí đốt và điện tăng cao có ảnh hưởng tức thì đến các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phải chịu chi phí gần như gấp đôi. Tình trạng này dẫn đến giá sản xuất tăng, mức tăng mà một số công ty sẽ không thể - hoặc không hoàn toàn có thể - chuyển sang cho khách hàng của họ. Một số doanh nghiệp thậm chí đã tính đến khả năng phải cắt giảm ngân sách đầu tư của họ cho năm 2022.

Các hộ gia đình cũng chịu tác động trực tiếp. Theo công bố của Bộ Sinh thái Pháp, các lái xe cũng phải chịu ảnh hưởng của việc giá dầu diesel và xăng không chì 95-E10 tăng 15% kể từ đầu năm. Hóa đơn tiền điện và khí đốt của họ cũng đang tăng. CRE đã quyết định tăng giá khí đốt thêm 12,6%, bắt đầu từ ngày 1/10. Mức tăng giá điện dự kiến sẽ vào khoảng 12%, bắt đầu từ ngày 1/2/2022, trong khi trước đó chính phủ đã quyết định giới hạn ở mức 4%.

* Các giải pháp đề xuất?

Chính phủ các quốc gia chịu ảnh hưởng đã công bố các biện pháp tức thời để giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình. Tại Italy, Thủ tướng Mario Draghi đã công bố các biện pháp trị giá 3 tỷ euro (3,5 tỷ USD).

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã hạ thấp mức thuế đặc biệt đối với hóa đơn tiền điện mà các doanh nghiệp và cá nhân phải trả. Tại Vương quốc Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định cung cấp hỗ trợ tài chính ước tính khoảng "vài triệu bảng Anh" cho một số nhà sản xuất nhất định.

Tại Pháp, Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch vào tháng 12/2021 cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 100 euro cho khoảng 6 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp để giúp họ thanh toán hóa đơn năng lượng của mình. Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đã hứa vào mùa xuân năm sau, các gia đình này sẽ được nhận thêm khoản hỗ trợ trị giá 150 euro.

Trước mắt, Thủ tướng Jean Castex đã tuyên bố việc thiết lập “lá chắn thuế quan” nhằm giúp ngăn giá khí đốt tăng thêm 30% trong hai tháng cuối năm. Giá mặt hàng nhiên liệu này sẽ tiếp tục “đóng băng” cho đến mùa Xuân, sau đó mức tăng giá sẽ được dàn đều trong 12 tháng tiếp theo. Việc tăng giá điện cũng sẽ được hạn chế nhờ một động thái về thuế.

Về lâu dài, Pháp đang đề nghị phải xem xét điều chỉnh lại thị trường năng lượng châu Âu. Ủy ban Châu Âu hiện đang thảo luận về việc chuẩn bị một văn bản quy định chi tiết cho phép các quốc gia thành viên áp dụng để giảm hóa đơn năng lượng cho hộ gia đình.

*Liệu tình hình có được cải thiện nhanh chóng?

Theo các nhà phân tích, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào diễn biến của giá xăng trong những tuần tới. Nếu tình hình được cải thiện, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Pháp tin rằng sự leo thang về giá cả này sẽ không kéo dài đến năm sau.

Theo nhận định của ủy ban này, "giá khí đốt bán buôn sẽ vẫn tiếp tục ở các mức cao trong suốt mùa Thu năm 2021 và mùa Đông năm 2021-2022, sau đó sẽ giảm từ mùa Xuân và mùa Hè năm 2022 trước khi trở lại bình thường vào năm 2023".

Điều này đủ để Thủ tướng Jean Castex "an ủi" người dân và doanh nghiệp rằng tình hình hiện tại chỉ là vấn đề mang tính "thời điểm". Về lâu dài, tại châu Âu, Nga đã hứa sẽ tăng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và ký các hợp đồng giao hàng mới với khối lượng tăng lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục