Giá dầu châu Á tăng phiên chiều 30/4

19:09' - 30/04/2020
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á tăng trong phiên chiều 30/4 trước những dấu hiệu cho thấy tình trạng dư cung dầu ở Mỹ không tăng nhanh như dự kiến, trong khi nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ tăng nhẹ.
Vào lúc 15 giờ 40 phút ngày 30/4 (giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tại thị trường châu Á tăng 13,6% (tương đương 2,05 USD) lên 17,11 USD/thùng. Trước đó, giá dầu WTI đã tăng 22% trong ngày 29/4.
Giá dầu châu Á tăng phiên chiều 30/4. Ảnh: TTXVN phát
Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 7,6% (1,71 USD) lên 24.25 USD/thùng với các hợp đồng mua bán dầu giao tháng 6/2020 hết hạn vào ngày 30/4. Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng 10% trong phiên 29/4.

Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng 9 triệu thùng lên 527,6 triệu thùng. Mức tăng này thấp hơn con số dự kiến tăng 10,6 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Còn lượng xăng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng từ mức cao kỷ lục ghi nhận trong tuần trước, với nhu cầu nhiên liệu tăng nhẹ. Người phụ trách chiến lược hàng hóa của ING, Warren Patterson, cho rằng nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn trong những tuần tới thì nhiều khả năng thị trường dầu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

Một thông tin tích cực khác là Công ty Dầu mỏ và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) ngày 30/4 cho biết doanh số bán các sản phẩm lọc dầu hàng ngày đã tăng lên hơn 90% mức của giai đoạn trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Tuy vậy, những quan ngại về công suất lưu trữ dầu tiếp tục tác động tới các thị trường khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo công suất các kho chứa dầu toàn cầu có thể đạt mức tối đa vào giữa tháng 6/2020 và nhu cầu năng lượng có thể giảm 6% trong năm 2020 do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa được áp dụng ở nhiều nước nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ nước này sẽ sớm công bố một kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp dầu mỏ trong nước, mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết có thể bổ sung hàng triệu thùng dầu vào các kho dự trữ dầu quốc gia vốn đã gần hết công suất lưu trữ.

Trong khi đó, Na Uy, nước sản xuất dầu lớn nhất khu vực Tây Âu, cho hay sẽ cắt giảm sản lượng dầu trong nửa cuối năm 2020, lần cắt giảm sản lượng dầu đầu tiên trong 18 năm qua của nước này, để góp phần thúc đẩy giá dầu đi lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục