Giá dầu thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp do lo ngại dư cung

16:04' - 12/09/2020
BNEWS Khép lại phiên giao dịch 11/9, giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp trong bối cảnh dự trữ dầu trên thế giới tăng lên trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Khép lại phiên giao dịch 11/9, giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp trong bối cảnh dự trữ dầu trên thế giới tăng lên trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn để phục hồi lại mức trước đại dịch.

Thị trường "vàng đen" tại New York đã biến động mạnh trong phiên 8/9, phiên đầu tiên mở cửa sau nghỉ Lễ Lao động.

Giá dầu Brent đã để mất ngưỡng 40 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng Sáu và còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm gần 8%.

Thị trường đã phản ứng tiêu cực với thông tin Saudi Arabia giảm giá bán dầu tháng Mười và các ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại ở một số quốc gia, khiến nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Sang phiên 9/9 giá cả hai loại dầu chủ chốt đều tăng trở lại xong hiệu ứng này không kéo dài. Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 2 triệu thùng trong tuần trước đã đẩy giá dầu thế giới giảm gần 2% trong phiên giao dịch 10/9.

Đến phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 23 xu Mỹ (0,6%) xuống 39,83 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) nhích 3 xu Mỹ và đóng cửa phiên 11/9 ở mức 37,33 USD/thùng.

Như vậy, tính chung cả tuần qua, cả giá dầu Brent và WTI đều mất khoảng 6%

Giới quan sát nhận định, việc Saudi Arabia và Kuwait giảm giá bán chính thức cho các khách hàng ở châu Á, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và các nhà giao dịch dầu mỏ đang tăng cường đặt kho chứa dự trữ là những yếu tố tiêu cực đối với thị trường dầu mỏ.

Kỳ nghỉ Lễ Lao động ngày 7/9 như thường lệ đã đánh dấu sự kết thúc mùa cao điểm với nhu cầu tiêu thụ năng lượng cao vào mùa Hè ở Mỹ.

Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu nhiên liệu suy yếu tại quốc gia này trong thời gian tới.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới đang gia tăng có thể khiến sự hồi phục kinh tế thế giới chậm lại và làm giảm nhu cầu đối với các loại nhiên liệu, trong đó có dầu diesel và nhiên liệu máy bay.

Thị trường đang chờ đợi những động thái mới tại cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/9.

Các nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+ đã góp phần hỗ trợ giá dầu và giảm tình trạng dư cung.

Tuy vậy, việc các số liệu kinh tế yếu kém cho thấy nhu cầu dầu vẫn còn “ảm đạm”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục