Giải đáp về tính tiền chậm nộp thuế theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP

15:12' - 27/11/2020
BNEWS Ngày 27/11, tại Tp.Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2020.

Tại đây, ngoài các vướng mắc chuyên ngành cần được tháo gỡ, giải đáp, một số doanh nghiệp còn băn khoăn đến quy định mới về phạt tiền chậm nộp tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126) quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế chính thức có hiệu lực từ 5/12/2020.

Cụ thể, tại điểm b, Khoản 6, Điều 8 của Nghị định 126 có quy định về việc tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Tại điểm c, khoản 6, Điều 8 quy định về việc tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đối với quy định mới này, ông Đào Đông Phong, Kế toán trưởng Tổng công ty Khánh Việt (trụ sở Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ băn khoăn: Đối với kỳ tính thuế năm 2020, đến ngày 30/10/2020, công ty đã tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của 3 quý đầu năm 2020 thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán 2020 thì có bị tính tiền chậm nộp theo quy định như trên hay không?

Ông Phong lấy ví dụ, đối với cách tính tiền chậm nộp, giả sử đến ngày 30/10/2021 doanh nghiệp đã tạm nộp số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của 3 quý đầu năm là 60% số phải nộp theo quyết toán 2021.

Ngày 30/01/2022, doanh nghiệp nộp thêm số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp là 30% số phải nộp theo quyết toán 2021. Như vậy, số tiền chậm nộp sẽ tính như thế nào.

Vấn đề băn khoăn của đại diện Tổng công ty Khánh Việt cũng được một số cơ quan báo chí phản ánh gần đây. Một số doanh nghiệp, chuyên gia bày tỏ lo lắng quy định mới này có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phải nộp tiền chậm nộp khi không ước tính được doanh thu của quý còn lại.

Trả lời vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, do vậy trong năm quyết toán thuế 2020 chưa áp dụng quy định chậm nộp, mà sẽ bắt đầu áp dụng từ 2021.

Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp, chỉ tính tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch doanh nghiệp chưa nộp hết cho đến thời điểm doanh nghiệp đã nộp đủ.

Như trường hợp Tổng công ty Khánh Việt đưa ra thì chỉ tính khoản chậm nộp 15% trong khoảng thời gian từ 30/10/2021 đến 30/01/2022 - khi doanh nghiệp nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trao đổi thêm với báo chí bên lề hội nghị, ông Đặng Ngọc Minh lý giải vì sao lại có sự điều chỉnh này. Theo ông Minh, quy định này được xây dựng dựa trên tình hình nộp thuế của doanh nghiệp và hoạt động điều hành ngân sách.

Đặc thù ngân sách của Việt Nam rất khó khăn. Mục đích của thu ngân sách chủ yếu để chi cho các hoạt động quản lý nhà nước, nhất là phân bổ cho các tỉnh có số thu ngân sách không đủ bù chi. Vì thế, tiến độ thu ngân sách rất quan trọng với hoạt động của nhiều địa phương.

Trong khi đó, qua theo dõi các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp niêm yết, nhiều trường hợp doanh nghiệp mặc dù công bố báo cáo tài chính quý có lợi nhuận, song việc nộp thuế cũng không theo tiến độ.

Chính vì vậy, cộng 2 nội dung này và trên cơ sở cân đối lợi ích của toàn xã hội, Bộ Tài chính đã xây dựng nội dung như tại điểm b, Khoản 6, Điều 8 của Nghị định 126 đã quy định, nhằm đôn đốc kịp thời các khoản thu phục vụ cho vấn đề điều hành ngân sách của Chính phủ, đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn.

“Một số doanh nghiệp có ý kiến không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp đều có ý kiến, mà phải lưu ý vấn đề điều hành ngân sách của các địa phương cũng như cân đối lợi ích của toàn xã hội", ông Minh nói.

Theo Luật Ngân sách Nhà nước, việc điều hành ngân sách là thu theo tiến độ, chi cũng theo tiến độ, chúng ta không thể đi vay để phục vụ cho hoạt động chi thường xuyên ở các địa phương.

Trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, đại diện Tổng cục Thuế bày tỏ hy vọng doanh nghiệp có thể chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Minh cũng bày tỏ tiếc nuối khi trong quá trình nghiên cứu, ban hành Nghị định 126, các doanh nghiệp không đặt vấn đề vướng mắc mà lại phản ánh sau khi Nghị định đã được ban hành.

Trong khi đó, trước khi trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của 700.000-800.000 doanh nghiệp trên cả nước về các nội dung Nghị định 126 cũng như phản ánh của 63 tỉnh, thành về vấn đề điều hành ngân sách.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, những kiến nghị, băn khoăn của doanh nghiệp cũng như phản ánh của báo chí trong thời gian gần đây sẽ được Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính ghi nhận và báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có Thông tư hướng dẫn doanh nghiệp và các đơn vị liên quan thực hiện nội dung Nghị định 126./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục