Giải pháp cho doanh nghiệp dệt may vừa sản xuất và ứng phó với dịch COVID-19

14:58' - 27/05/2021
BNEWS Hầu hết các doanh nghiệp đã ký hợp đồng tới quý III/2021, do đó, nếu vì phong tỏa, không có công nhân đi làm, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hẹn.
Ngành dệt may đang trong giai đoạn phục hồi khi các đơn hàng trong nước và quốc tế nhiều hơn, nhưng dịch COVID-19 dù không bất ngờ nhưng đã gây ra những thiệt hại cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, để ứng phó với dịch COVID-19, các doanh nghiệp ngành này đang tập trung cao độ vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo đơn hàng cho đối tác.

*Nguy cơ đình trệ sản xuất

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, tác động của dịch COVID-19 lần này đã ảnh hưởng ngay đến giá bông thế giới tăng cao khi Ấn Độ đang gặp khó khăn không thể xuất khẩu được bông.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, ở sản xuất trong nước, nếu như có doanh nghiệp nào đó có công nhân mắc COVID-19, hoặc công nhân sống trong vùng có dịch bị phong tỏa, không thể sản xuất được thì thiệt hại cho doanh nghiệp là rất lớn. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã ký hợp đồng tới quý III/2021, do đó, nếu vì phong tỏa, không có công nhân đi làm, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hẹn. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà doanh nghiệp đã từng rất khó khăn mới tạo dừng được.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, trong đợt dịch COVID-19 này, tình hình ở Tổng công ty May Hưng Yên rất căng. Đặc điểm của May Hưng Yên là có người lao động sống rải rác trong các khu vực dân cư tại nông thôn. Trong trường hợp địa phương bị phong tỏa, cách ly toàn bộ, thì người lao động sẽ không thể đi làm, ảnh hưởng lớn tới tiến độ sản xuất của doanh nghiệp.

“Điều khiến các lãnh đạo doanh nghiệp thành viên của Hugaco lo lắng nhất là không giao hàng kịp tiến độ nếu như phải phong tỏa nhà máy. Các đơn hàng hầu hết thanh toán chậm 60 ngày nên khi không giao được hàng thì tiền gia công không thể thanh toán được, gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp”, ông Dương nói.

Nếu có trường hợp người lao động nhiễm COVID-19, việc phong tỏa cả nhà máy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, bởi hầu hết họ đều vừa phải sản xuất vừa chiến đấu với dịch.

Theo bà Trần Tường Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ, đơn vị đã chốt nhiều đơn hàng cho tới tháng 9/2021, do đó rất lo lắng nếu như trong trường hợp xấu bị phong tỏa, dừng sản xuất, doanh nghiệp này sẽ bị phạt hợp đồng, mất tiền gia công, mất khách hàng, giảm uy tín, việc làm cho người lao động không có,… cùng nhiều hệ lụy khác.

*Không chủ quan, lơ là

Ngay khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, dệt may Hòa Thọ đã sớm khởi động lại các chương trình phòng chống dịch ở mức cao, lưu trữ thông tin, tổ chức khai báo y tế đối với tất cả cán bộ công nhân viên cũng như khách ra vào, hàng ngày thống kê các điểm, nơi có các ca F0 để yêu cầu mọi người khai báo. Trong quá trình khai báo này, nếu phát hiện ra các trường hợp F1, F2 thì lập tức phối hợp với địa phương để có phương án cho từng trường hợp cụ thể.

Bà Trần Tường Anh cho biết, công ty đã trang bị đầy đủ cho người lao động các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, chloramine B, khẩu trang… đồng thời, liên tục tuyên truyền về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện quy tắc 7K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế, kiểm soát biên giới, khu cách ly an toàn).

Tương tự Hòa Thọ, Vinatex cũng đã nâng báo động lên mức cao nhất tới các đơn vị về tình hình lây lan. Việc thông tin tuyên truyền tới các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, để người lao động tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 7K trong doanh nghiệp và trong cộng đồng và nâng cao ý thức trong phòng chống dịch ở cả nơi họ sinh sống.

Ông Cao Hữu Hiếu cho hay, tập đoàn cũng như các đơn vị đã xây dựng kịch bản để ứng phó với dịch COVID-19 với tâm thế hết sức đề phòng, không lơ là chủ quan.

“Đợt dịch thứ 4 này mức độ nguy hiểm rất lớn, chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp; trong đó, cần có hỗ trợ phù hợp cho đặc thù ngành nghề, đặc biệt doanh nghiệp có số lượng lao động lớn trực tiếp thiệt hại vì ảnh hưởng của dịch bệnh do hợp đồng đã ký bị lùi, giãn và hủy đơn hàng."

Dệt may là ngành nghề sản xuất với hàng chục nghìn người lao động, vì vậy để phòng chống dịch, đòi hỏi sự quyết liệt, tinh thần tuân thủ tuyệt đối các quy định của Bộ Y tế. Ông Hà Mạnh Đạt, Chánh văn phòng Tổng Công ty Đức Giang cho hay, Đức Giang có số lao động rất đông nên doanh nghiệp chỉ đạo đạo sát sao việc phòng chống dịch, với những hành động cụ thể, trên tinh thần tuân thủ tuyệt đối, với các nguyên tắc, quy chuẩn cao hơn chuẩn 5K của cộng đồng. Đó là, 100% nhân sự đeo khẩu trang tại nơi làm việc, sát khuẩn, đo thân nhiệt, giãn cách 2m tại các xưởng may, nơi ăn ca; chia nhỏ số lượng ăn ca tại nhà ăn, để không tập trung đông người cùng lúc.

“Chúng tôi có đội tầm soát dịch COVID-19 tại cơ sở và cứ mỗi giờ lại đi kiểm tra một lần để nhắc nhở, đôn đốc người lao động tuân thủ nguyên tắc phòng dịch, phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm. Đồng thời, có chế tài xử phạt người lao động không tuân thủ quy định phòng dịch, nhẹ thì nhắc nhở, phạt tiền, nặng hơn thì khiển trách cảnh cáo và loại khỏi danh sách thi đua.

Trong thời gian vừa qua, Tổng Công ty Đức Giang đã trang bị thêm nhiều các máy đo thân nhiệt; từng xưởng có người phụ trách đo thân nhiệt, báo cáo tình hình sức khỏe người lao động hàng ngày; sử dụng dịch vụ thuê xe phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy, khuôn viên đều đặn hàng tuần...

“Tất cả những vật tư y tế, dụng cụ và nhân sự để tham gia phòng chống đợt 4 này cũng tiêu tốn của Đức Giang một khoản kinh phí lớn. Tuy vậy, đây là việc cần thiết phải đầu tư, cho sự an toàn của người lao động để sản xuất bền vững”, ông Hà Mạnh Đạt nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục