Giải pháp nào tăng doanh thu cho doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử?

16:15' - 22/12/2020
BNEWS Tại Hà Nam, sàn giao dịch điện tử đã tạo lập được 150 gian hàng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, minh bạch...

Ngày 22/12, Sở Công Thương tỉnh Hà Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị “Giải pháp tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp Hà Nam trên sàn thương mại điện tử”.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh… 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Nam Đặng Anh Tuấn nhấn mạnh, hiện nay, thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh bán hàng quan trọng đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kệnh bán hàng trực tuyến là phương thức an toàn nhất của người tiêu dùng.

Các sàn thương mại điện tử cung cấp đa dạng mô hình vận hành, giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc quản lý tồn kho và cung ứng sản phẩm cũng như thủ tục lên sàn được đơn giản, nộp hồ sơ và duyệt trực tuyến. Kinh doanh trực tuyến không những không ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống, mà thông qua kệnh mới này, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm thuận lợi hơn, góp phần đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến gần với người tiêu dùng hơn.

Tại Hà Nam, sàn giao dịch điện tử đã tạo lập được 150 gian hàng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, minh bạch về chất lượng với người tiêu dùng.

Trong kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2025 cũng xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 như: doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ trực tuyến chiếm 10% tổng doanh số bán lẻ toàn tỉnh; khoảng 55% người dân tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến…

Tại hội nghị, đại diện Cục Thương mại điện từ và Kinh tế số giới thiệu về chiến lược phát triển thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2021-2025; các biện pháp phòng chống gian lận và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Cụ thể, trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ, thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền knh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong 5 năm qua, thương mại điện tử của Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng. Số người tham gia mua sắm trực tuyến tăng từ 30,3 triệu người vào năm 2015 lên 44,8 triệu người năm 2019. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người tăng từ 160 USD năm 2015 lên 225 USD vào năm 2019.

Các đại biểu cũng được được đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Bộ Công Thương), Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB giới thiệu, phân tích làm rõ về nội dung của các chuyên đề: Thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và tối ưu hoá hoạt động kinh doanh với Sàn thương mại điện tử tỉnh Hà Nam và sàn thương mại điện tử Shopee hiệu quả; xuất khẩu trực tuyến và mở rộng thị trường quốc tế với sàn Alibaba.com; xu hướng quảng cáo, bán hàng trực tuyến trên nền tảng facebook; thực hành xây dựng, vận hành gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Nam và Shopee, bao gồm: cách khởi tạo và vận hành gian hàng, phương thức thanh toán và các phương thức vận chuyển trên sàn thương mại điện tử./.

>>Amazon Global Selling hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận người mua trên Amazon

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục