Giảm nhiệt “sốt ảo” giá đất nền tại Tp. Hồ Chí Minh

12:54' - 01/06/2017
BNEWS Sau khi chính quyền Tp. Hồ Chí Minh chấn chỉnh thông tin đồn thổi tăng giá đất nền vùng ven, “cơn sốt” ảo giá đất đã lắng xuống, nhưng vẫn cần những giải pháp căn cơ để minh bạch hoá thị trường này.

* “Loạn” trung tâm môi giới

Khác 1 tháng trước, lượng người đi mua đất chủ yếu để kinh doanh đầu tư đã giảm rõ rệt. Các trung tâm môi giới nhà đất không còn cảnh tấp nập mà trở nên thưa thớt. Đặc biệt, giá đất nền mặc dù có tăng nhưng không còn bị “hét” một cách thái quá.

Trong vai người mua đất, phóng viên được các “cò” chào giá tương đối “mềm”. Cụ thể, đất vòng xoay Phú Hữu quận 9 được rao với giá 22 triệu/m2. Giá thị trường khi chưa bị thổi ở khu vực này dao động ở mức 16 – 18 triệu đồng/m2. Sau đó, giá bị thổi lên đến 25 triệu đồng/m2.

Giá đất trong dự án Phú Nhuận (đường Liên Phường, phường Phước Long B, quận 9) dao động từ 22 – 23 triệu đồng/m2, tăng nhẹ so với mức 19 triệu đồng/m2 đối với những khu đất vị trí kém lợi thế. Đất nền dự án khu nhà ở Đại học Bách Khoa cũng có giá 25 triệu đồng/m2…

Tại khu vực chợ Hóc Môn, đất nền diện tích 90m2 được rao bán với giá 1,1 tỷ đồng với tình trạng pháp lý được quảng cáo là đang trong quá trình ra giấy tờ. Mức giá này đã “mềm" hơn so với giá 1,6 – 1,8 tỷ đồng/80m2 có đầy đủ giấy tờ. Trước đó, cùng diện tích 80m2 có sổ hồng, đất khu vực chợ Hóc Môn dao động từ 1,8 - 2,1 tỷ đồng.

Việc “hét giá” đã giảm nhưng mặt bằng giá đất nền tại nhiều khu vực vùng ven cũng vẫn còn cao. Người mua có nhu cầu để ở thực vẫn phải chấp nhận mức “giá mới” được tạo lập này. Đây là hệ luỵ xấu của “cơn sốt” đất nền.

Theo một chủ doanh nghiệp chuyên đầu tư phân khúc đất nền, thị trường bất động sản “sốt ảo” dẫn đến giá đất cũng “tăng ảo”. Mặt bằng giá mới khiến người mua có nhu cầu thực sự sẽ không thể mua sản phẩm với giá trị thực của nó. Cơ hội mua nhà hay đất cũng trở nên khó khăn hơn.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, ngay khi cơn sốt đất nền xảy ra, lãnh đạo thành phố đã nhanh chóng họp bàn giải pháp chấn chỉnh, đến nay tình hình đã tạm ổn định.

Ảnh minh họa

Trở lại một số khu vực từng là “tâm bão” sốt ảo giá đất nền như đường Nguyễn Ảnh Thủ, Trịnh Thị Miếng, Đặng Thúc Vịnh, Phạm Thị Giây (quận 12, huyện Hóc Môn), đường Liên Phường, Gò Cát (quận 9), đường Linh Đông, quận (Thủ Đức)…, phóng viên vẫn bắt gặp những khuôn mặt “cò đất” quen thuộc.

Các biển hiệu giao dịch đất nền cả mới lẫn cũ được dựng lên tạm bợ từ quán cà phê, quán ăn sáng, giải khát, thậm chí còn “mọc” nhiều thêm. Nhân viên môi giới không những cắm biển tại bãi đất trống, dán lên ở cột điện tại các giao lộ mà còn gắn cả lên cột chỉ giới trong dự án khu dân cư; thậm chí là các thân cây hoặc treo ở bờ rào, nơi tầm nhìn không bị khuất.

Trên đường Liên Phường (phường Phước Long B, quận 9), đoạn từ cầu Ông Cày cho đến trước Khu dân cư Phú Nhuận “mọc” đầy trung tâm môi giới nhà đất như Triết Nhung, Vạn An, Unihome, Đạt Việt, Hưng Lộc Phát… Ngay bãi đất trống tại đường Hồ Bá Phấn (quận 9) cắm biển bán đất nền với giá 1,95 tỷ đồng/nền trong khi chỉ có một nhân viên “túc trực”.

Gần khu vực dự án khu dân cư Phú Nhuận, nhiều biển rao bán đất được đóng trên thân cây như rao bán nhà quận 9 (một trệt 2 lầu) diện tích 108 m2 với giá 3,45 tỷ đồng; đất mặt tiền đường 990 phường Phú Hữu (quận 9) với giá 24 triệu đồng/m2, ngân hàng hỗ trợ vay 70%; đất nền quận 9 với giá 639 triệu đồng/nền, cam kết ngân hàng hỗ trợ, thổ cư 100%, có giấy phép xây dựng riêng; nhà dự án “Liên phường Star” với giá 2,2 tỷ đồng/căn diện tích 70m2…

Tại dự án khu dân cư Phú Nhuận, chỉ 3 – 4 nhà được xây cất, còn lại vẫn là những ô đất trống ngút ngàn cỏ dại.

Những thửa đất trống được các sàn môi giới tranh thủ cắm biển, bố trí 1- 2 nhân viên tư vấn như Đông Sài Gòn, Hưng Lộc Phát, Tam Lộc Phát… nhận “ký gửi bán nhanh” đất nền dự án quận 9.

Cảnh tượng này cũng “lan” sang địa bàn giáp ranh là phường Bình Trưng Đông, quận 2 với nhiều biển hiệu nhà đất mọc lên giữa các bãi đất trống như sàn bất động sản Đông Thủ Thiêm, Hội quán café bất động sản khu Đông…

* Công khai thông tin quy hoạch

Nói về giải pháp chấn chỉnh "sốt" ảo giá đất nền, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhìn nhận, "cơn sốt" đất vừa qua là một bài học cho thành phố, đặc biệt là về sự công khai minh bạch thông tin quy hoạch.

Để tránh cơn sốt đất lặp lại trong tương lai, ông Lê Văn Khoa đưa ra hai giải pháp là công khai về quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (gắn với trách nhiệm của sở Quy hoạch và Kiến trúc) và công khai, thường xuyên cập nhật kế hoạch sử dụng đất (gắn với trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường) từ cấp phường, xã, quận huyện đến thành phố.

Cùng đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh giao trách nhiệm đến tháng 12/2017, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phải hoàn thành phần mềm để người dân thành phố và ngoài thành phố chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh là có thể biết được quy hoạch đất trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng “mù mờ” trong quy hoạch.

Một trong những giải pháp quan trọng chấn chỉnh “cơn sốt” ảo giá đất nền là sửa đổi Quyết định 33 quy định diện tích tách thửa. Quyết định này đang được Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo dự thảo sửa đổi.

Theo ông Lê Văn Khoa, quan điểm của thành phố là điều chỉnh thay thế hoặc bổ sung quyết định này nhằm giải quyết tận gốc những biến tướng về phân lô, bán nền tràn lan trong thời gian qua.

Dưới góc độ tài chính tín dụng, đại diện Ngân hàng HDBank chia sẻ, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro khi cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, HDBank đã rà soát tổng thể các dự án bất động sản cho vay, đánh giá lại chủ đầu tư, nhu cầu thực tế của thị trường đối với từng dự án…

Theo HDBank, việc này nhằm xác định các dự án có tiềm năng, an toàn, hạn chế rủi ro cho khách hàng cũng như HDBank khi nhận tài sản bảo đảm đồng thời tập trung cho vay mua nhà ở thiết yếu, không cho vay đầu cơ bất động sản.

Các chính sách và hướng dẫn áp dụng trên toàn hệ thống nhằm kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm kiểm soát rủi ro tín dụng trong trường hợp khách hàng mua 1 căn nhà hay nhiều nhà, trường hợp 1 khách hàng vay để mua nhiều bất động sản nhằm đầu tư kinh doanh.

Với các trường hợp vay mua bất động sản phục vụ nhu cầu để ở vẫn được khuyến khích và áp dụng các chương trình ưu đãi hấp dẫn - đại diện HDBank cho biết thêm./.

Xem thêm:

>>Thị trường bất động sản Quy Nhơn: Cơ hội đầu tư mới

>>FLC lập “hat-trick” giải thưởng quốc tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục