Giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội tại Đồng Nai

19:04' - 13/06/2024
BNEWS Giai đoạn 2021 - 2025 Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng 10.000 căn nhà, nhưng do do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phức tạp và kéo dài nên nhiều dự án triển khai chậm. 
Ngày 13/6, Tổ công tác của Đoàn Giám sát Quốc hội do ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Tổ Trưởng tiến hành giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023 tại tỉnh Đồng Nai.

Tổ Công tác trực tiếp giám sát 2 dự án tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai gồm: Dự án Khu dân cư, dịch vụ, du lịch cù lao Tân Vạn và Dự án Nhà ở xã hội A6 - A7. Đồng thời làm việc với Sở Xây dựng, Hiệp Hội bất động sản Đồng Nai và 13 doanh nghiệp có dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

 
Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai, các doanh nghiệp đề xuất Tổ công tác có kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc liên quan lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đối với quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại; hướng dẫn ưu đãi dành 20% quỹ đất hoặc nhà trong dự án nhà ở xã hội kinh doanh thương mại; sửa đổi điều kiện thu nhập cho người mua nhà ở xã hội; tháo gỡ vướng mắc đối với dự án giao đất, bị lệch giữa quy hoạch chi tiết với quy hoạch phân khu và quy hoạch chung. Việc đồng bộ các hạ tầng xã hội trong dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn trước khi được chuyển nhượng được cho là khó thực hiện và lãng phí vì nhu cầu thực chưa có.

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 120 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Quá trình triển khai, các dự án đều thực hiện đúng quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, đất đai. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các thời kỳ được thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, do những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, đất đai nên một số dự án xảy ra khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, có dự án phải dừng triển khai.

Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng 10.000 căn nhà, nhưng do do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phức tạp và kéo dài nên nhiều dự án triển khai chậm. Khó khăn lớn trong phát triển nhà ở xã hội là các chính sách ưu đãi thiếu ổn định. Đơn cử như chính sách ưu đãi nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội; thủ tục xác nhận đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Đồng Nai kiến nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương hướng dẫn nội dung, tiêu chí đánh giá nhu cầu sử dụng đất cụ thể để địa phương biết, thực hiện. Có hướng dẫn cụ thể điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà ở được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Hướng dẫn xử lý dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 1/7/2014 đã hoàn thành việc giao đất, nhà đầu tư đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng, đề nghị kiểm tra, thông báo điều kiện chuyển nhượng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ Công tác ghi nhận ý kiến, kiến nghị của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là các kiến nghị của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng nhà ở xã hội.

Sau đợt giám sát, Tổ Công tác sẽ tổng hợp, có báo cáo chuyên đề và kiến nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và nhà ở xã hội cho người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục