Giáo sư Nhật Bản đánh giá cao môi trường kinh tế - đầu tư của Việt Nam

12:28' - 28/06/2019
BNEWS Giáo sư Ryo Ikebe, trường Đại học Senshu, Nhật Bản đã có bài viết đánh giá về môi trường đầu tư và triển vọng kinh tế Việt Nam.
Giáo sư Ryo Ikebe, trường Đại học Senshu, Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Japan Times, tờ báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản, ngày 28/6 - ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Môi trường đầu tư và triển vọng kinh tế Việt Nam” của Giáo sư Ryo Ikebe, trường Đại học Senshu, Nhật Bản.

Bài viết đánh giá cao môi trường và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng và đối mặt với một loạt thách thức lớn chưa từng có, từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ - Trung Quốc, gánh nặng nợ khổng lồ đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ và các điểm nóng xung đột khắp toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đang phải cân nhắc, chọn lựa các địa điểm đầu tư, chuyển đổi cơ sở sản xuất, điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và quy trình hoàn thiện hàng hóa.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ có điều kiện chính trị ổn định, nền kinh tế mở, cùng nguồn lao động dồi dào, thị trường nội địa đủ lớn… đặc biệt là quan hệ tốt với các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang là sự lựa chọn lý tưởng của các nhà đầu tư.

Xét những điều kiện đó, Việt Nam có thể nói đang là ứng cử viên hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong một trật tự thế giới không ngừng biến động hiện nay.

Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiền lần thứ hai vào tháng Hai vừa qua và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Việt Nam cũng có một thị trường nội địa đủ lớn với hơn 97 triệu dân, nguồn lao động dồi dào bởi độ tuổi trung bình rất trẻ chỉ 31 tuổi và đặc biệt ngày càng có trình độ.

Nền kinh tế Việt Nam được khẳng định là nền kinh tế mở, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương trong khu vực và thế giới.

Chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng 1/2007, Việt Nam hiện nay đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một FTA thế hệ mới có mức thuế quan cắt giảm sâu với sự tham gia của 11 nước chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Australia.

Việt Nam cũng đang chuẩn bị ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh châu Âu và đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại bao trùm khu vực rộng lớn gồm 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và sáu nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, khu vực có 3 tỷ người và chiếm tới 40% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

Việt Nam và Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ký kết Hiệp định thương mại song phương từ năm 2000.

Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam xét chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Đối với Mỹ, Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của nước này.

Tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018, đạt tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 20%.

Năm 2018, dưới sự lãnh đạo của một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt mức 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008 và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.

Báo cáo của ngân hàng DBS Bank thuộc Singapore công bố gần đây dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore vào năm 2029.

Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam so với khu vực được đánh giá thuộc nhóm dẫn đầu. Thuế thu nhập doanh nghiệp đang ở mức 20% gần như ở mức thấp nhất tại Đông Nam Á, cùng nhiều ưu đãi đầu tư theo từng lĩnh vực, vùng miền.

Trong Sách Trắng lần thứ 11 năm 2019, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam khẳng định kể từ khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã thực hiện quá trình cải cách luật pháp trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn.

Ngoài thế mạnh về nguồn lao động, thị trường, độ mở của nền kinh tế, cùng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, kinh doanh, Việt Nam còn là quốc gia được đánh giá có chính trị ổn định, chỉ số an ninh con người đang ngày càng được cải thiện.

Việt Nam cũng có một vị trí địa chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương, nằm trải dài ven Biển Đông, tuyến vận tải biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới.

Những thuận lợi trên, đi kèm với đường lối đối ngoại cởi mở đã giúp vị thế của Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam có quan hệ đối tác với tất cả năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc, đối tác chiến lược với Anh, Pháp và đối tác toàn diện với Mỹ.

Việt Nam đang thể hiện là một quốc gia lý tưởng thu hút các nguồn lực đầu tư, kinh doanh từ nước ngoài, đồng thời cũng là quốc gia trách nhiệm, có ảnh hưởng và tham gia ngày càng sâu vào đời sống kinh tế, chính trị thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục